“Gặp” Tự lực văn đoàn trong hẻm phố Hội An

09.05.2023
Kỳ Nam

“Gặp” Tự lực văn đoàn trong hẻm phố Hội An

Nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở Hội An.

Hồi bữa, đi lạc vô con hẻm Hội An mà gặp nhà thờ họ Nguyễn Tường, nàng tiểu thơ Sài Gòn ngạc nhiên thiếu điều bổ chửng: Ui Trời! Thuở mười tám đôi mươi đọc tác phẩm của các vị Tự lực văn đoàn, gắn liền với những mơ mộng về cái nước Bắc, cảnh trí lẫn hành trạng - Thế ra mình thấm hương xứ Bắc bằng cái cảm của các tài danh xứ Quảng.

Ta nói bỗng nhiên ngưỡng mộ ngùn ngụt dâng trào đến nỗi phải cụp mắt xuống kẻo trai xứ Quảng đi bên cạnh biết được ắt lại vênh mặt đột ngột - nếu biết nàng đang cửu ngưỡng các trang tuấn kiệt tài hoa của đất ngũ phụng tề phi.

Tủ sách Thạch Lam

Mà nào giờ tại sao chưa từng có chút nào hình dung về những cái tên: Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Tường Long - Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo với mảnh đất này nhỉ?!

Đường chính trong ngõ được trải xi-măng, bằng phẳng và nhỏ, trên đường vắng tanh. Hai bên đều là nhà phố, không cổ nhưng cũ. Đây là con đường bình dị đã được sửa sang, ngày trước dẫn đến một cái giếng cổ. Cái giếng đó là mạch sống của cả làng, nước trong ngọt.

Từ đường cổ kính, làm bằng gỗ, bên hông là một con hẻm nhỏ, nhà cũng nho nhỏ từng căn, có những cánh cửa gỗ sơn xanh núp dưới những giàn bông giấy đỏ đang phô sắc đỏ hồng rực rỡ dưới ánh nắng.

Bất chợt theo một lối rẽ ngang từ con phố chính tấp nập người, tôi tình cờ gặp được bóng dáng của Tự Lực Văn Đoàn và ngôi nhà thờ tộc của một gia tộc lừng lẫy trong lịch sử khoa bảng.

Nhà thờ tộc Nguyễn Tường.

Ngôi phủ được khởi dựng từ năm 1806, kiến trúc gỗ thuần Việt ba gian hai chái. Cột gỗ vẫn vững chãi chống đỡ những rui mè chạm trổ kiểu cách mộc Kim Bồng, những hình chạm gỗ hoa lệ, tinh xảo, giữ vẹn vinh quang của nơi hội tụ của dòng tộc xa xưa.

Gian thờ các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn

Thời gian tạo ra những biến thiên, người thời nay cũng không còn mấy người đã từng đọc tác phẩm của Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo. Tác phẩm của họ trở thành những di vật ố vàng, nằm hiu quạnh trong tủ kính, chỉ còn có ý nghĩa của vật trưng bày.

Ai còn nhớ hình ảnh của hai đứa trẻ nhặt lá bàng? Đoạn Tuyệt đã kể lại câu chuyện của ai? Còn gì nữa nhỉ, những áng văn của một thời kỳ có những cây bút tài hoa.

Có ai đã từng đi qua, nhìn ngắm mà thương tưởng đến những con chữ đã từng góp phần khai phóng không nhỏ trong lịch sử văn học Việt Nam?

Phía trên những rui mè, giá đỡ mái vỏ cua được chạm thủng hình hoa cúc. Hoa cúc ở đây có chăng một hàm ẩn quân tử tính của người xưa? Phủ được khai mở bởi một vị làm đến chức quan Binh bộ Thượng thư: ngài Nguyễn Tường Vân, hậu duệ có người đỗ đến Tiến sĩ (Nguyễn Tường Phổ - thời Thiệu Trị), nhà càng lúc càng phát về đường văn hơn là nghiệp võ.

Những hoành phi liễn đối giăng trên cột vẫn giữ nguyên được dáng vẻ từ thời xa xưa ấy, khi phồn hoa soi chiếu hay im lìm trầm mặc của trăm năm sau bị con sóng thời đại vô tình gột rửa hết vinh hoa ngày cũ.

Bóng râm của giàn hoa giấy bên hiên hông nối liền nhau thành một mái lều che bằng cành lá xanh mướt điểm hoa, bóng cây đung đưa làm mát cả trời chiều. Trên vạt thềm đôi ba cọng cỏ dại vươn lên từ kẽ đá kê tường. Đá cũ, cỏ xanh vẫn hoài bên nhau, như một nhịp sống trường tồn bất kể cảnh đời dâu bể. Chim sẻ từng đàn vẫn đậu rồi bay. Ngồi dưới tàn lá đó, ngước nhìn đám mây trắng bình thản bay ngang, dùng ngón tay viết tâm sự lên vỏ cây xù xì, lại thành một bí mật.

K.N