Chắp cánh cho ca khúc hay về Đà Nẵng

02.12.2020
Đoàn Hạo Lương
Với phong cảnh hữu tình, Đà Nẵng được xem là mảnh đất đem lại nhiều cảm hứng sáng tác thi ca, nhạc họa. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều ca khúc hay viết về thành phố “đầu biển cuối sông” này vẫn chưa đến được với đông đảo công chúng.

Chắp cánh cho ca khúc hay về Đà Nẵng

Từ những chuyến đi thực tế, cuộc vận động, cuộc thi, trại sáng tác… của các nhạc sĩ hai miền Bắc - Nam và cả những nhạc sĩ ở các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên, đến nay, rất nhiều ca khúc viết về Đà Nẵng đã ra đời. Nhưng số ca khúc nằm lại trong lòng công chúng yêu nhạc và góp mặt với đời sống âm nhạc của đất nước vẫn khá khiêm tốn.

Khó tiếp cận công chúng

Năm 2015, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đứng ra in một tập ca khúc Tác phẩm mới với hơn 100 bài hát về Đà Nẵng, tập hợp các ca khúc được viết từ xưa đến nay của nhiều tác giả trên cả nước. Năm 2021, Hội cũng lên kế hoạch in một tập ca khúc gồm 100 bài hát về Đà Nẵng, trong đó chủ yếu là các tác giả Đà Nẵng. So với tập ca khúc trước đó, tập ca khúc mới này có sự phát động sáng tác trong giới âm nhạc nên đa dạng, phong phú và mới mẻ.

Ngoài ra, Hội cũng đứng ra phát hành 2 video ca khúc về Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 10 năm và 20 năm thành phố Đà Nẵng chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và 1 audio Nhịp thời gian. Đây là những ca khúc được tuyển chọn và phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, năm 2018, Sở Văn hóa - Thể thao phát động cuộc sáng tác trong cả nước viết về Đà Nẵng và đã có một số ca khúc hay đọng lại với khán giả như: Đà Nẵng trong tôi (Nguyễn Văn Tám), Đà Nẵng dáng đêm (Phan Văn Minh), Đà Nẵng phố tôi yêu (Nguyễn Đình Thậm)…

Tuy nhiên, nhìn lại 45 năm qua, Đà Nẵng chỉ có 2 DVD Sông Hàn tình yêu của tôi và Tình yêu Đà Nẵng với 20 ca khúc được tuyển chọn cùng một số ít CD audio với chừng 40 ca khúc được tuyển chọn và khoảng 8 tuyển tập ca khúc (tính cả ca khúc thiếu nhi) được in. Những năm qua, 20 ca khúc trong 2 DVD nói trên được công chúng Đà Nẵng và người yêu nhạc cả nước đón nhận.

Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX cho rằng, để nhìn nhận thỏa đáng và đầy đủ về ca khúc Đà Nẵng, cần có những tọa đàm, những hội thảo chuyên đề với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhạc sĩ, nghệ sĩ uy tín, có nghề và có những hiểu biết chuyên sâu về âm nhạc Đà Nẵng.  "Nếu không có cảm hứng và không có sự va đập của cuộc sống thì sẽ không bao giờ có được tác phẩm nghệ thuật nói chung..., mà với nghệ thuật âm nhạc thì yếu tố đó là rất cần thiết. Tôi muốn nói đến yếu tố quan trọng Đất và Người. Đà Nẵng ngày càng đẹp lên, không gian thành phố ngày càng rộng ra, mới lạ và hấp dẫn... Người Đà Nẵng ngày càng tốt hơn, năng động hơn, văn minh hơn và nghĩa tình hơn... là những yếu tố tạo nên cảm hứng để tôi có những tác phẩm âm nhạc về Đà Nẵng” (Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa).

Với số lượng ca khúc được sáng tác mấy chục năm qua, trong đó chắc chắn có nhiều bài hát hay. Thế nhưng, tại sao công chúng, nhất là người dân Đà Nẵng, vẫn đòi hỏi những bài hát hay với một nhu cầu bức thiết? “Người cảm thụ ca khúc luôn đòi hỏi cái mới, cái hay, cái đẹp... Ca khúc được nhạc sĩ sáng tác là yếu tố đầu tiên, nó cần có ca sĩ giọng hay; cần có phần phối tốt, phù hợp; cần phòng thu hiện đại, bảo đảm chất lượng và cuối cùng là người thưởng thức. Với Đà Nẵng, có thể nói khâu sáng tạo tác phẩm và người thưởng thức tạm ổn, nhưng các khâu đầu tư cho ca sĩ, đầu tư phần phối, phòng thu và phổ biến, quảng bá tác phẩm còn hạn chế”, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa giải thích.

Trong khi các hội viên Hội Âm nhạc thành phố sẽ được hỗ trợ một phần nếu có chương trình lớn và được hội làm cầu nối cho các đơn vị đặt hàng, hỗ trợ hòa âm phối khí thì những người sáng tác nghiệp dư gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Ông Phan Trần Duy Lam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, người có hàng chục ca khúc viết về Đà Nẵng cho biết: “Sau khi sáng tác tác phẩm, chúng tôi phải mời ca sĩ hát để làm MV rất tốn kém, có bài mất tới 100 triệu đồng nên chỉ chọn những tác phẩm tiêu biểu để giới thiệu. Người hòa âm phối khí sẽ nâng tầm bài hát lên. Đặc biệt, nếu chọn đúng chất giọng, đúng tâm trạng của ca sĩ, bài hát sẽ được hát hay hơn và được nhiều người biết đến”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là các nhạc sĩ viết ra nhưng không quảng bá được. So với hai đầu đất nước, ở Đà Nẵng, phần ca sĩ thể hiện, hòa âm phối khí, quảng bá tác phẩm vẫn còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, khi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng, các nhạc sĩ phải đầu tư nhiều. Để một ca khúc đến được với công chúng, nhạc sĩ phải tự bỏ tiền thực hiện các công đoạn. Ở một góc độ khác, người dân Đà Nẵng dường như chưa có thói quen thưởng thức nghệ thuật...

Để có ca khúc hay về Đà Nẵng

Với kinh nghiệm 50 năm sáng tác và có một số ca khúc viết về Đà Nẵng đã được công chúng đón nhận, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa chia sẻ: “Là nhạc sĩ sáng tác âm nhạc, ai chẳng mong muốn viết được những tác phẩm hay, có nhiều ca khúc để đời, trả ơn mảnh đất, tình người nơi mình đang sống. Làm sao đó để có được những tác phẩm xứng với tầm vóc và sự phát triển vươn lên của thành phố... Càng trăn trở, nhạc sĩ càng thấy mình mắc nợ với Đà Nẵng, mắc nợ với đời... Thế là những gì mình có như năng khiếu, sự nhiệt tình, đam mê, vốn sống, kinh nghiệm, tài năng, tất cả dồn vào việc sáng tạo ca khúc với mong ước có được ca khúc hay”.

Theo nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, một ca khúc hay trước tiên phải hay cả về nhạc lẫn về lời. Đối với nhạc, cần có kiến thức về sáng tác âm nhạc của lĩnh vực mình cần thực hiện, đó là kỹ thuật sáng tác ca khúc, khúc thức và hòa âm..., kết hợp với tài năng sáng tạo của người nhạc sĩ. Về lời thì cần có vốn liếng văn học, vốn sống, sự nhạy bén, tinh tế về cuộc sống, sự linh cảm tốt về tình cảm, về thời cuộc và phải tìm được những ý tứ mới, lạ mà mọi người đang quan tâm, đang khao khát... Nếu không có nền tảng vững vàng về âm nhạc, kỹ thuật sáng tác..., bạn sẽ chỉ có được một vài tác phẩm may mắn; sau đó, bạn sẽ dừng bước hoặc cứ loanh quanh rồi bế tắc.

Nếu không có vốn liếng văn học, bạn sẽ loay hoay với ca từ, không thể hiện được những gì mình muốn nói, và rồi sẽ chỉ phổ thơ của người khác, mà cũng không dễ gì tìm được thơ hay, có sự đồng cảm với mình và việc phổ thơ cho hay, phù hợp với tâm trạng của tác giả thơ cũng không phải dễ. Con đường nghệ thuật sáng tác ca khúc là sự tìm kiếm không hề đơn giản mà có thể rất dài và gian nan, vất vả... Để có ca khúc hay, phải có năng khiếu, đam mê, kiến thức âm nhạc, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, một tâm hồn cao đẹp và một tình yêu chân thành cùng sự gắn bó với Đà Nẵng... Như thế, may ra sẽ có được những tác phẩm hay về Đà Nẵng và được mọi người đón nhận, yêu thích.

Ông Phan Trần Duy Lam cũng chia sẻ thêm: “Khi sáng tác, tôi chủ yếu dựa vào cảm xúc, thông qua ca từ và giai điệu để nói lên tâm tư, tình cảm của mình. Sáng tác ca khúc về Đà Nẵng khó hay vì thành phố ít có những hình ảnh đặc trưng mang hồn nhạc, hồn thơ như các thành phố khác, chẳng hạn như Hội An có phố cổ, Hà Nội có làng lúa làng hoa... Đà Nẵng chỉ loanh quanh cầu sông Hàn, con sông Hàn. Hơn nữa, giọng Đà Nẵng khá nặng. Muốn ca khúc hay, đôi khi người nhạc sĩ cũng phải sử dụng giai điệu dân ca Bắc Trung bộ, miền Bắc, miền Nam”.

Năm 2021, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng hằng quý sẽ phối hợp với Nhà Văn hóa Lao động thực hiện những đêm giới thiệu tác phẩm; giới thiệu ca khúc trên đài phát thanh, truyền hình, qua đó quảng bá tác phẩm ra công chúng và kích thích các nhạc sĩ sáng tác. Hội cũng sẽ mở một trại sáng tác ca khúc về thiếu nhi thông qua Hội thảo Văn học nghệ thuật đối với lứa tuổi thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay. “Ca khúc về Đà Nẵng không thiếu, không phải không có chất lượng mà do khâu quảng bá còn hạn chế. Vì thế, nhiều bài hát hay chưa đến rộng rãi với người nghe, như Sông Hàn tình yêu của tôi, Sông Hàn tuổi 18, Sông Hàn trong tôi. Nếu nghe nhiều lần thì sẽ thành thói quen, sẽ thấm và sẽ hát nhiều hơn”, nhạc sĩ Trương Duy Huyến nhấn mạnh.

(baodanang.vn)