Cát và Thơ - Huỳnh Văn Hoa

30.08.2017

Cát và Thơ - Huỳnh Văn Hoa

Cát có mặt trong nhiều lĩnh vực của đời sống con người, như xây dựng, trang trí nội thất, nghệ thuật (tranh cát) và trong sáng tạo văn chương, nhất là thơ ca.            

Theo Từ điển Tiếng Việt, "cát: đá vụn thành hạt nhỏ dưới 2 milimet, có thành phần chủ yếu là thạch anh và các khoáng vật khác" (Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, 2005, trang 115).

Cách đây hơn 7 thế kỷ, thiền sư Muju (1226-1312), Nhật Bản, đã soạn Thạch sa tập, (Shesekishu), gồm 10 quyển, từ năm 1279 đến 1283, chứa đựng hơn 250 câu chuyện thiền. Một số câu chuyện đã được dịch ra tiếng Việt, có tên Góp nhặt cát đá. Những câu chuyện thiền tưởng chỉ là mẩu chuyện đơn giản, song lại là những ngụ ngôn sâu sắc trên con đường tìm kiếm chân lý về cuộc sống. Giấu sau những hạt cát là những viên kim cương quý hiếm, thấm nhuần bao ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa triết học.

Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã nhiều lần nói đến "cát". Mỗi lần "cát" xuất hiện là mỗi bước gian truân của đời Kiều. Đó là: Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia/ Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh/ Mịt mù dặm cát đồi cây/ Đành thân cát dập sóng vùi/ Tính rằng sông nước cát lầm....

Gần hai trăm năm sau, khi đi qua quê hương Nguyễn Du, Trần Mạnh Hảo còn nghe: Gió Ngàn Hống thổi vênh trời Hà Tĩnh... Bến Giang Đình cát bụi hú mù khơi... Những đá, cát, Với Ngàn Hống hồng trần bay lục bát / Thúy Kiều ơi bầm nát gió Tiên Điền... Núi vẫn gõ lên trời trăm dùi trống/ Đất âm âm mời cát ngủ yên lòng... (Gió Ngàn Hống).

Cao Bá Quát (1809? - 1855), một nhà thơ tài năng và có bản lĩnh, tác giả của Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên bãi cát). Sa hành đoản ca thể hiện tâm trạng bi phẫn, bất bình của kẻ sĩ trước đường đời bế tắc, mịt mù, đồng thời thể hiện sự dằn vặt, câu thúc và cả thức tỉnh của một nho sĩ ý thức được những khó khăn trên con đường công danh.

Trên con đường vào kinh, qua dải đất miền Trung, hình ảnh những cồn cát của Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, phía tây là Trường Sơn, phía đông là biển cả. Suốt dải đất hẹp ấy, cát và cát. Nói như Nguyễn Du, “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”, nơi “nửa tình, nửa cảnh, như chia tấm lòng”, thì, đến Cao Chu Thần, những “bãi cát dài” đó là những “cùng đồ” trên đường đời đầy gai góc, bất trắc của một trí thức luôn thao thức về thế sự.

Ngày trước, con đường của nho sĩ là học hành, thi cử và làm quan. Cao Bá Quát thì bất bình tất thảy, bất bình với học thuật, khoa cử và hoạn lộ. Vì vậy, hình tượng “bãi cát” và “con người đi trên bãi cát” là biểu tượng cho con đường đi tìm chân lý và khát vọng đến cô đơn của kẻ sĩ trước đường đời “đi một bước, lùi một bước, lữ khách... nước mắt rơi”. Mọi ngả đường đều chỉ thấy cát. Cát bay mù che kín cả khát vọng. Con đường đi về phía trước hun hút, ghê sợ, “phía bắc núi Bắc núi muôn trùng, phía nam núi Nam sóng dào dạt". Hình tượng "Bãi cát dài, lại bãi cát dài/ Đi một bước như lùi một bước/ Bãi cát dài, bãi cát dài ơi/ Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt" phản ánh tâm thức bất lực của người trí thức đương thời. Bài thơ kết lại một câu với nỗi niềm u uẩn, bi phẫn tột cùng: Anh đứng làm chi trên bãi cát?     

Sa hành đoản ca là khúc độc thoại, đầy tâm trạng của tầng lớp kẻ sĩ, ý thức được thời cuộc, song tuyệt vọng, muốn từ bỏ cái nhỏ mọn, tầm thường,... để tìm một con đường, thực hiện lý tưởng, song không thoát khỏi thực tại. Bi kịch của những trí thức đương thời, của Cao Bá Quát là ở chỗ đó.

Từ cuộc đời bi tráng, nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, ngay cả những ngày Cao vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, ngọn gió tha hương, nỗi niềm lữ thứ cứ thổi vần vũ trên mái đầu của một "trục khách", "trục thần". Chính những điều này, khi đọc thơ chữ Hán của Cao, đã khiến cho Thanh Thảo, nhà thơ cách ông hai thế kỷ, đồng cảm, ngưỡng vọng và đã viết nên trường ca Đêm trên cát, dài 444 câu, với đề từ: “Một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát”.  

Viết Đêm trên cát, Thanh Thảo đã nêu bật được những phẩm chất của Cao Bá Quát, một con người suốt đời “lấy lưng mình che đỡ những câu thơ non nớt/ lấy những câu thơ làm tấm áo che người đang rét/ trước ngọn roi gió bấc phũ phàng/ chiến đấu như một người/ chặn đường nỗi sợ/ và chết như một người/ đã vượt lên nỗi sợ/ ở những ranh giới mơ hồ/ đây là điều sáng rõ/ phải trả giá cho mỗi phẩm chất người / dù rất nhỏ...

Tố Hữu, nhà thơ có nhiều bài thơ viết về mẹ. Ông viết về người mẹ với sự kính trọng, ngợi ca và bày tỏ lòng thương yêu. Mẹ Tơm là một bài thơ như thế! Mẹ Tơm, người  mẹ nghèo, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa, từng nuôi dưỡng, chở che nhà thơ trong những ngày vượt ngục. Sau mười chín năm xa cách, trở về: Con đã về đây, ơi mẹ Tơm / Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm. Người mẹ đó, với đất nước hiến dâng tất cả và cuối cùng:        

Sống trong cát, chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời!

Hà Minh Đức, người con của Thanh Hóa, vùng đất của gió và cát. Khoảng trời gió cát bay là bài thơ được chọn làm tên của tập thơ (Nxb Văn học, 2003). Vẫn là cát. Từ miền xa cát lại tràn về/ Gió đưa cát tới những miền quê / Cát len lỏi vào từng nhà và những vườn cây/ Trong giấc mơ ai đêm nay / Có nỗi lo sợ cát. Cát ám ảnh con người. Con người gắn với cát, đầy bí mật và khổ đau, quyện chặt và tung phá, tuyệt vọng và ước mơ. Những câu thơ ngắn, bắt đầu bằng một từ “cát”, như những đúc kết về số phận nghiệt ngã của con người tại một vùng đất với bao khát khao, đợi chờ: 

Sinh ra cùng thời đã có con người

và cát   

Cát quấn quýt lấy người

Cát chở che và gây đau khổ

Cát vô tư và xơ xác

Cát phô bày và bí mật

Cát khao khát, chờ mong

Cát chỉ ra các giới hạn và sự tận cùng.

Khoảng trời nào cũng có cát bay

Cuộc đời nào cũng dính vào với cát

Cơn mưa chiều đưa cát về cùng đất

Đón đợi những mầm cây.

Bài thơ trĩu nặng tình quê, nơi có mẹ, có tuổi thơ và cát. Một thế giới vừa hoài niệm những khung trời cũ vừa đau đáu phận người của hôm nay: Lòng tôi lại bối rối/ Khi nhớ về những chân trời xa.

Vào với dải đất Quảng Bình thời chiến tranh, Xuân Quỳnh viết Gió Lào cát trắng. Bài thơ có 34 câu, thì đến 14 lần nhà thơ nói đến “cát”, mở đầu:

Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi 

Tôi của cát, của gió Lào khắc nghiệt.

Hai câu thơ bày ra một tâm hồn nhân hậu, một tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước, như muốn gánh về mình những gian truân, vất vả, khắc nghiệt của bao cuộc đời quanh mình.

Song, từ nơi đó, dù giữa những ngày ác liệt của đạn bom, bỏng rát của nắng lửa, nhà thơ vẫn “tha thiết một màu xanh”, “một rừng cây trĩu quả”, vẫn mong dựng lại ánh ngói hồng của căn nhà, với lời nhắn gửi:

Em mới về em chưa thấy gì đâu

Chỉ có cát và gió Lào quạt lửa

Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ

Cát khô cằn ở mãi hóa yêu thương...

Ít ai có giọng thơ dịu dàng, thanh thoát đến vậy, dầu đó là những ngày bỏng rát của chiến tranh ở một vùng giới tuyến không một phút yên bình!

Cả một thế hệ làm thơ như Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Lê Thị Mây, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ,... đều sinh ra và lớn lên từ vùng gió Lào và cát trắng Quảng Bình. Cát trở thành sự ám ảnh trong những trang thơ - trang đời và làm nên "những bông hoa trên cát" (tên một tập thơ của Hoàng Vũ Thuật). Ngô Minh gắn lòng yêu quê hương với tình yêu mẹ, người mẹ mà “tóc mẹ dần ngả màu cát lạnh”. Hình ảnh cát bàng bạc trong thơ của các nhà thơ miền Trung. Ngô Minh là một trường hợp điển hình. Cát, đấy là nơi bắt đầu của một đời người, nơi chở che, nơi đi và về đầy những cảm thông, chia sẻ: 

Bạn ơi, nơi ấy tôi sinh/ Nơi ấy mẹ bọc tôi trong vạt áo đẫm mồ hôi và dính đầy bụi cát

(Đứa con của cát)

Mẹ sinh ra con trên hai bàn tay/ manh áo rách ủ làm chăn đắp/ đêm tối trời nổi cơn bão cát/ cuốn mịt mù bốn phía  không gian.

(Cát xanh)        

Ngô Minh là đứa con của cát, suốt một đời day dứt về cát. Thế giới nghệ thuật của Ngô Minh đầy những đồi cát, dòng sông, bãi bờ,... cát và cát. Cát gắn với những phận người nhỏ bé, bất hạnh, lam lũ, khổ đau.

Những năm chiến tranh, Nguyễn Khoa Điềm gắn bó với vùng đất Trị - Thiên cũng viết nhiều về cát. Cát trắng Phú Vang (10/1970) viết về vùng đất chỉ cát và cát: Thấm mồ hôi, máu đỏ/ Cát thơm hồn cha ông/ Lòng con là bình nhang/ Mẹ đong đầy cát trắng/ Quyện tâm hồn Phú Vang. 

Năm 1972, vào vùng chảo lửa Quảng Trị, Nguyễn Duy có bài thơ Cát trắng: Bên tê Cửa Tùng mênh mông cát trắng/ Bên ni Cửa Tùng cát trắng mênh mông/ Sao cát trắng bên ni trắng toát lạnh lùng/ Trắng đất, trắng tay, trắng một vùng đai trắng ...

Bài thơ chỉ 11 câu, có đến 8 lần nói đến cát. Bên tê và bên ni Cửa Tùng đều mênh mông cát trắng, trắng đến nhức mắt. Cả một vùng Cửa Tùng, Gio Linh đều nhìn từ phía cát. Và, cát cũng đổi màu, từ “cát trắng” đến “cát tím bầm”, rồi “ánh lên màu đỏ” đầy đau thương, mất mát.

Rồi, chiến tranh qua đi, gần 20 năm sau, quay lại chốn cũ, Nguyễn Duy viết bài thơ Ám ảnh cát. Bài thơ kết thúc bằng hai câu:

Gió rờn rợn một mùa hè ám ảnh

Cát trắng xèo từng giọt đỏ tươi.

Cát trắng không xóa được máu đỏ của “một mùa hè Quảng Trị”. Chao ôi, chiến tranh - quê hương, đau thương - mất mát! 

Năm 1986, về quê, tại làng Hà Thượng (Huế), Trương Nam Hương viết Làng Cát, một bài lục bát đau đáu về bà nội, về quê hương: Bước ra đã chạm cát rồi/ Nhói lòng tôi trước đất trời trắng phau/ Quanh năm bão dập trên đầu/ Nội ơi, hạt thóc tìm đâu đất trồng.../ Nghẹn ngào cát trắng đồng quê/ Thơ tôi xưa ngại viết về hạt cơm/ Lúa đồng quê cát, người ơi!

Có một bài thơ khá hay của một người làm thơ xứ Quảng, đó là Cát và tôi của Hoàng Tư Thiện (1946 - 2004). Trước 1975, Hoàng Tư Thiện có thơ đăng trên các báo, tạp chí như Văn, Khởi Hành, Đối Diện. Sau 1975, tiếp tục sáng tác, thơ in ở Thanh Niên, Đất Quảng, Non Nước. Một giọng thơ trầm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng không thiếu độ tha thiết, sâu lắng.

Suốt một đời, Hoàng Tư Thiện cô đơn và hóa thân mình vào cát. Cũng như các nhà thơ miền Trung, quê anh vùng cát. Sinh ra đồng thời với cát, cát trộn lẫn trong đời và trong thơ Hoàng Tư Thiện. Bài thơ Cát và tôi như một dự báo, tiên cảm về ngày từ biệt thế gian:

Cát và tôi/ là một/ Mai tôi về trong cát đó thôi/ Cát và tôi/ là hai miền thương/ nhớ/ khi ta lìa đất/ hồn tôi nương ngọn cỏ/ thuở xa bờ/ cát lở/ về đâu/ tôi lênh đênh/ ba chìm/ bảy nổi/ mười phương/ gió giục/ cát bay sầu/ sông sẽ cạn/ núi mòn/ tôi cũng vội/ bến yên nằm/ cát đợi cánh buồm nâu/ rồi tôi lại ra đi/ ngày đã đến/ lưng đèo mây/ vơi cát/ ngựa phiêu bồng/ xin vĩnh biệt/ chân trời/ mặt biển/ ngàn thu/ muôn dặm cát/ mênh mông/ Cát và tôi/ tôi và cát/ bụi.../ Giũ sạch rồi/ lòng  nhẹ/ như không.

“Cát” với Hoàng Tư Thiện đồng nghĩa với cát bụi, hư vô.

Cát cũng gắn với tình yêu đôi lứa, gắn với tuổi trẻ. Đó là, biển và bờ, anh và em, gắn bó và chung thủy trong Biển của Xuân Diệu:

Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng.../ Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật êm / Hôn êm đềm mãi mãi.

Xuân Diệu mượn hai hình ảnh: biển và bờ cát, hai biểu tượng không tách rời nhau, luôn hiện hữu trong nhau, qua đó, nhằm vĩnh cửu hóa tình yêu.

Tế Hanh, tác giả của nhiều bài thơ tình hay, trong đó, có Viết tên trên cát. Bài thơ in trong tập Hoa niên, do Nxb Đời nay ấn hành. Nhà thơ: Ngồi viết tên yêu trên bãi cát.  Mỗi ngón tay ấn mạnh từng đường kẻ là yêu, ghét, giận, hờn, thương...Và rồi, cuối cùng, niềm riêng, theo nước, ra biển khơi: Cực lòng tìm kiếm quên trên cát/ Cát nhẹ xa đi nói chuyện mình.

Cũng là cát, với Nỗi nhớ miền Trung, Thuận Hữu kể về một chuyện tình ở xứ cát. Người con gái nón che nghiêng đi về trên cát, bỏ lại một miền Trung đầy bão gió, em đã lấy chồng xa. Bài thơ có chút hờn trách, chỉ còn anh: Đường về nhà em trưa nắng cát mù tung/ Trên cát bỏng mình anh đi như chạy/ Gió Lào trưa nay cát bay cồn cào quá...

Nhớ thương em nỗi nhớ chẳng đâu bằng

Mẹ gọi em về khắc khoải những

mùa trăng.

Cát thường gắn với cát bụi. Trong nhạc Trịnh Công Sơn không ít ca từ liên quan đến hình ảnh này, nhất là ca khúc bất tử Cát bụi:

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi...

Nói như Anh Ngọc:

Trong những ngày tuyệt vọng nhất

đời tôi

Tôi sống được nhờ thơ và nhạc Trịnh

Anh hát giùm tôi

Anh khóc giùm tôi...

Cát bụi là anh

Cát bụi là tôi

Cát bụi là ta nên cát bụi tuyệt vời...

(Nhạc Trịnh)                                          

Omar Khayyam (18/5/1048 - 4/12/1131), nhà thơ thời Trung cổ của Ba Tư (nay là Iran) đã nói nhiều về cát bụi đời người, về sự bất lực của con người trước thời gian, số phận, khổ đau và hạnh phúc, về tình yêu và tuổi trẻ, về nỗi cô đơn của tuổi già và cái chết. Một thế giới thầm kín, sâu lắng, đa chiều của con người được Omar Khayyam khai thác và gửi lại cho nhân loại. Trong nhiều bài thơ đó, có bài thứ XXIII:

Tìm lấy điều gì đấy tốt cho ta

Bởi rồi đây Cát bụi cả thôi mà

Thành Cát bụi ta nằm trong Cát bụi

Chẳng Cuối cùng, chẳng Rượu, chẳng Bài ca.

(Bản dịch của Hồ Thượng Tuy)

H.V.H

Bài viết khác cùng số