Cá biệt

30.08.2021
Nguyễn Trí
Thuở lam lũ dài ngày, dài tháng, dân ly nông bỏ ruộng lên thành, rời quê hương tạt vô sân ga, bến tàu, bến xe kiếm sống. Nhân tài lúc ấy như lá mùa thu, như sao buổi sớm.

Cá biệt

Minh họa Tuấn Anh

Một giáo viên ôm hai ba lớp, dạy hai ba ca là thường mà vẫn đau đáu chuyện giá lương tiền. Có người bức bối quá bèn bỏ trường bỏ lớp chạy chợ kiếm cơm. Để chữa cháy, đã có những chương trình đào tạo 12+1 tức tốt nghiệp trung học thì học thêm một năm sư phạm là ra trường đi dạy. Cũng có cả hệ 9+3 dành cho giáo viên tiểu học. Vào lúc sao buổi sớm lá mùa thu ấy - đùng một phát - Nguyễn Vinh thường gọi Vinh Mát áo bỏ vô thùng, dép da, tay cầm cuốn sách đi ngang qua chợ làm bọn bốc xếp - bạn của Vinh Mát - mắt tròn mắt dẹt:
- Mẹc xà lù... Thằng Vinh Mát đi đâu mà bảnh vậy kìa?
- Nó đi dạy - Chủ quán nhậu nói.
- Dạy? Dạy gì? Dạy ở đâu?
- Dạy ở trường cấp hai mình chớ đâu.
- Mẹ cha ơi...
Chủ quán rằng thì là Vinh Mát có bằng tú tài ai bi em (IBM) hồi trước 1975 chứ chả phải đùa. Các thánh đừng tưởng nó quần đùi áo vá mà xem thường. Thấy vậy chứ không phải vậy đâu. Nhơn tài nằm trong lá ủ đó mấy cha.
- Học trò mà gặp Vinh Mát chắc bỏ mạng sa tràng quá. Nhớ vụ nó thoi thằng bảo vệ rừng Nghĩa Mập không?
- Sao lại đem so thợ rừng với thầy bà. Phải khác chớ. Bọn mày không nghe câu “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” à?
- Nhưng sao nó lại là thầy giáo?
- Hôm nọ có mấy người tây đến xứ nầy, ghé quán tao ăn trưa. Lúc đó Vinh Mát đang tạc thù cùng Khoa Lùn.
- Khoa Lùn giám đốc lâm trường hả?
- Biết còn hỏi.
Bốc xếp giật mình cả bọn:
- Mẹ cha ôi... dữ nghe...
X. - nơi có cái quán đang ngự trị mà bọn bốc xếp đang nhậu và đang bàn về một nhân vật có tên Vinh Mát, không phải là kinh tế mới, cũng không phải đất của di dân tự do. X. trước đây là một lâm trường rất bề thế trên dưới ba nghìn héc ta. Diện tích lớn mà lực lượng trông coi quá ít. Có tổng cộng bốn lâm trường trên vùng rừng này. Một lâm trường có chục tiểu khu. Mỗi tiểu khu có chục anh bảo vệ. Cộng lại và nhân lên thì trên dưới ba nghìn héc ta rừng được quản lý và trông coi chừng năm trăm con người. Đúng là muối bỏ bể. Thuở phá rừng làm rẫy cho đến lâm tặc ào vào như lũ cuốn thì... bảo vệ chỉ còn một nước là:
- Dạ... hôm nay mâm của em mười một xe.
Mười một xe thồ gỗ lậu qua ải chung gấp chục lần lương thì ngu sao không nhét túi. Vả lại muốn là bảo vệ không cháu cô con bác thì phải biết. Giám đốc lâm trường cũng là người, mà người thì đâu có mù mà không thấy rừng trơ trọc... Vậy là, X. biến hóa từ xanh của nguyên sinh ra xám đỏ bazan rồi lại xanh của ngô lúa rẫy nương. Cuối cùng tên gọi lâm trường X. bay vào hư không bởi rừng còn đâu mà quản lý? X. được lập xã.
Giám đốc lâm trường Khoa trở thành cư dân của X. Ung dung trong một căn nhà toàn gỗ quý. Vợ Khoa là giáo viên từ khi trường X. còn là mây tre lá và chỉ từ lớp một đến lớp năm. Bà giáo nầy có hai đứa con. Chúng giỏi lắm từ lớp một đến lớp năm nhưng bước vào lớp sáu thì... đất nước đã đổi mới. Tây vào làm ăn mà ta kém Anh văn được sao. Từ X. ra thị trấn cả mười lăm cây số. Cho con ra thêm bớt Anh văn là phiền lớn đa nghe. Khoa bèn bảo với vợ:
- Để tôi gặp thằng Vinh Mát.
- Chi vậy?
- Hôm nọ tôi nghe nó nói chuyện với tụi tây trong quán phở.
- Thằng Vinh đập Nghĩa Mập kỳ đó hả?
- Ừ.
- Mát hung tợn ông nhờ gì nó?
- Nó không mát cũng không hung tợn. Kỳ đó hai tuần mà thằng Nghĩa Mập bắt nó những ba xe cây, dù nó đã chung đủ.
- Đã chung sao còn bắt?
- Thằng Đỏ nhận chung nhưng vẫn để thằng Nghĩa bắt. Hiểu không?
Chuyện chung chi mua bán cây rừng giữa bảo vệ và lâm tặc, giám đốc rành như chỉ trong lòng bàn tay thì, rừng tiêu vong và, bảo vệ còn ngon lành nói chi quan chức rừng.
Vậy là Vinh Mát đến nhà kèm Anh văn vỡ lòng và toán lớp sáu cho một trai một gái nhà ông giám đốc.
Khi mây tre lá của trường X. bị phá để lên bê tông cốt thép cho cấp một và hai, Vinh Mát trở thành giáo viên hợp đồng của trung học cơ sở X. Hắn dạy hai môn Anh văn và Toán cho hai lớp sáu. Đến khi bao sân thêm một số lớp nữa thì Vinh Mát không kham nổi vụ dạy tiếng Anh. Vậy là một hợp đồng Anh văn khác đầu quân. Đến năm thứ tư thì trung học cơ sở X. đã có lớp chín. Giáo viên các bộ môn đủ đầy với tư cách chính quy, riêng Anh văn vẫn hợp đồng.
Cũng năm nầy một lớp chuyên phụ đạo cá biệt xuất hiện ở trong trường.
***
Cá biệt? Lớp học nào cũng có vài anh cá biệt. Thường là mấy học sinh yếu kém. Cá biệt gồm vài thành phần. Trước tiên là con nhà nghèo. Thử hỏi cha mẹ suốt tháng suốt năm, ai ngon lắm được dăm ba sào rẫy, không ngon thì làm thuê làm mướn kiếm cái ăn, thời gian đâu mà kèm cặp con cái. Thành phần thứ hai cá biệt là con cái nhà quan và dân ăn nên làm ra. Cũng như thành phần con nhà nghèo, quý vị nầy cũng dở tầm khủng nhưng nhờ chỉ tiêu lên lớp nên quý vị cũng cứ thế mà lên. Ngoại trừ nghèo và con cái nhà, thành phần thứ ba là ăn theo kiểu “biết là bậy nhưng tụi mày vậy tao làm theo”. Mỗi lớp chừng dăm anh thì mệt mỏi lắm.
Cá biệt làm cho lớp học rối tung. Giáo viên bộ môn phê vô sổ đầu bài rằng học sinh đó học sinh kia vô kỷ luật hay thường xuyên ồn ào trong lớp. Chủ nhiệm nào cũng nhức đầu nhức óc, nhức như búa bổ luôn chứ không nhức thường. May cho Vinh Mát là giáo viên hợp đồng nên không chủ nhiệm lớp nào. Thấy có vẻ vô trách nhiệm, nhưng trách Vinh cũng không được vì hầu hết cha mẹ học sinh con cái nhà đều là mạnh thường quân thứ dữ của trường. Lễ lạt nào họ cũng đến kính biếu, ta làm khó mà được chăng?
Nhưng rồi cá biệt không còn là “không phổ biến, không điển hình” nữa, lớp nào cũng ba đến dăm anh thì nguy quá. Ban giám hiệu trường họp khẩn cấp truy ra những đầu têu trong từng lớp một. Một danh sách dài sọc từ một đến ba mươi cá biệt của mười lớp trình làng. Ba mươi phụ huynh được mời đến. Trên mười là quan và nguyên quan địa phương còn lại thì giàu nghèo lẫn lộn. May quá. Mười lớp trung bình mỗi lớp bốn mươi học sinh chỉ ba mươi cá biệt thì không lớn. Nhưng, con sâu luôn phá rầu nồi canh.
Phụ huynh của cá biệt đồng ý cho con cái họ làm lại từ đầu ở một lớp phụ đạo gần như chính quy riêng biệt. Tất cả sẽ học lại tất cả các môn từ lớp sáu. Ái chà chà... cá biệt lớp chín ngồi chung với cá biệt sáu bảy tám không đùa được đâu nghe. Và ai sẽ đứng ra chủ nhiệm cái lớp nầy? Ai? Lớp có một kinh hồn cốc chủ tên Khắc Văn Minh con trai lớn ông Khắc Văn Lu và bà Mười. Ông Lu nguyên là giám đốc một trong bốn lâm trường thời X. là rừng. Về với dân thường ông bà Lu sở hữu một xe khách, vài héc ta đất trồng cây ăn trái. Minh là cá biệt đi học mang theo dao tự chế, là sư tổ của đá gà độ. Đi theo và tôn Minh lên làm đại ca có năm cá biệt con nhà nghèo. Minh hư đến cái độ mà ông Lu phải đến trường nhờ vả và long trọng tuyên bố giáo viên nào khiến được Minh chịu học, ông sẽ trả cho giáo viên ấy một suất lương phụ trội dạng đặc biệt. Mà chả ai dám nhận. Đã mất chữ căn bản còn thích chơi hơn học thì thánh cũng thua. Vậy mà Minh lên được lớp tám mới là quá xá lạ.
Thôi thì ta sửa sai bằng cách làm lại từ đầu cho đám mất gốc. Xét cần dạy ngày hai buổi luôn cả chủ nhật luôn cả hè. Lấy lại cơ bản các môn chính như Toán, Lý, Hóa, Tiếng Việt... có cơ bản rồi thì nâng cao chả khó khăn chi.
Vinh Mát được đề cử chức danh chủ nhiệm cho lớp cá biệt. Vinh là giáo viên hợp đồng, dạy ăn tiết nên thêm cái chủ nhiệm là thêm tiền. Đầu năm học Vinh ký cái hợp đồng cho chín tháng. Hè đến Vinh theo bốc xếp kiếm cơm - nên chi - chủ nhiệm lớp cũng là tốt lắm. Lớp cá biệt ba mươi học sinh hút thuốc đúng ba chục. Hôm đầu tiên Vinh nửa đùa nửa thật:
- Cậu nào muốn phì phèo thì ra ngoài. Trong lớp mà bập thuốc là không được đa nghe.
Nhưng Khắc Văn Minh không tuân. Nó bật quẹt ga nhả khói thử xem ông hợp đồng làm gì cho biết. Vinh bước đến:
- Sao tôi bảo ra ngoài hút mà em không nghe?
- Ra ngoài hay trong lớp cũng vậy thôi thầy.
“Bốp”. Bạt tai mà nghe cái bốp là không nhẹ. Cả lớp sững sờ nhìn ông thầy tên Vinh. Đúng là Vinh Mát.
- Cá biệt như các cậu là gì biết không? - Vinh gằn giọng - là thứ bỏ đi. Các cậu mới cấp hai mà phải dồn một cục để giáo dục lại, không bỏ đi thì là cái quái gì. Cha mẹ các cậu đã nhờ nhà trường dạy lại các cậu cho tốt. Nếu cứ như thế nầy tương lai là gì không nói các cậu cũng biết. Tôi nói các cậu phải hiểu và tuân lịnh, ai không tuân tôi sẵn sàng cho ăn bạt tai. Hiểu không?
Trưa hôm ấy trên đường về Vinh Mát bị bốn bụi đời ở X. chặn lại.
***
Vinh Mát với tôi là bạn. Cùng kiếm sống ở Sài Gòn với nghề ba bánh đạp. Vinh bán hột vịt lộn còn tôi thì gỏi bò. Ế ẩm khi mưa gió hai tôi rúc xuống gầm cầu lai rai ba sợi. Dân chơi hẻm nhỏ và vỉa hè Sài thành thích gỏi bò, hột vịt lộn và đế Gò Đen. Vinh - như đã nói - tú tài IBM nên am tường lắm thế giới của sách vở báo chí. Ngồi dưới gầm cầu nghe Vinh Mát nói đông tây kim cổ kể ra cũng rất là hạnh phúc. Nghĩ đi. Rượu ngon, mồi bén và hảo bằng hữu không hạnh phúc là chi?
Vinh kể tôi nghe chuyện từng là giáo viên hợp đồng ở X. Chuyện bạt tai học trò cá biệt, bị vây đánh hội đồng, bị thanh lý hợp đồng, nói cho trắng ra là bị đuổi dạy vì đánh học trò trong giờ học. Tôi hỏi:
- Những bốn thằng hội đồng chắc ăn nặng đòn chớ hả?
Những cái gầm cầu tám làn xe ở Sài thành rộng như cái sân... bóng chuyền . Đang khề khà, Vinh Mát đứng lên múa võ như một thằng mát thiệt thọ; vừa đi thảo vừa đọc thiệu hay và đẹp đến độ dân đang trú mưa cũng vỗ tay mà tiếp nữa đi anh ơi... anh múa còn hay hơn phim Tàu luôn á...
- Dễ chi bốn thằng ranh đánh được tao. Có điều tao cũng bị ăn hết mấy sợi dây nịt. Sau đó...
Hôm sau Vinh đến trường thì ban giám hiệu mời làm việc. Giáo dục là không roi vọt không bạo lực. Vinh nói với hiệu trưởng:
- Đã vi phạm quy chế thì ban giám hiệu có quyền đuổi việc chứ không thanh lý. Tôi không cần cái gọi là xét quá trình phục vụ để gia ân. Tôi cho rằng bạt tai Khắc Văn Minh là cần thiết. Bá đạo thì sử dụng bá đạo để triệt tiêu chứ không thể dùng vương đạo được. Tôi xin chia tay với trường lớp ngay hôm nay với tư thế tự nghỉ việc chứ không thanh lý.
Tôi - Minh Tàn - nghe bá đạo và vương đạo là không hiểu gì luôn. Nên:
- Mày nói tao nghe là mù câm. Bá với vương con khỉ khô gì trong vụ nầy?
Vinh Mát dẫn tích Hứa Do rửa tai và Sào Phủ dắt trâu đi uống nước cho tôi nghe. Vụ Do, Phủ nầy ai có đọc sách là rành. Ai không biết thì tìm mà đọc kể lại dông dài lắm. Kể xong Vinh nói:
- Chuyện Sào Phủ và Hứa Do chỉ có trên thiên đường bởi tính chất không thực của nó. Tao đã quá sai lầm khi bạt tai thằng học trò hư hỏng mà không chịu tìm hiểu sự hư hỏng của nó bắt nguồn từ đâu. Tao quên mất Khắc Văn Minh không là thủ lĩnh của hai mươi chín cá biệt. Phụ huynh của chúng mới là đầu têu. Chính những con người thế lực nầy đã khởi phát sự ỷ lại trong con em của họ. Xứ nào tao chả biết - chứ X. giàu có lắm. Tao bị đuổi là phải quá. Hiểu không Minh Tàn?
Tôi gật gù:
- May mà chỉ ba mươi trong bốn trăm của mười lớp chứ đều ran thì có mà chết ông bà cố tổ luôn chứ mình mày là ít. Theo tao ngữ cá biệt ấy chắc chả ra cái dịch gì.
- Mày sai rồi... Hôm nọ tao gặp thằng Minh Khắc trong bến xe miền Đông.
- Nó làm gì?
- Chủ nhân của ba xe khách đường dài. Khà khà khà... Con nhà giàu chứ đâu phải kẻ khó mà đốt than suốt đời. Hiểu không?
- Vậy à?
Vinh Mát nâng ly làm một cái xây chừng Gò Đen rồi khà. Tiếng khà có phần nghe não nuột.

(thanhnien.vn)