Bậc cửa hiên xuân – Nguyễn Thị Anh Đào
Mẹ có một bậc cửa
Mẹ có một hiên xuân
Và tôi có một miền nguyên khôi kỷ niệm
Cuộc sống cuốn theo chiều của hoa tầm xuân không bao giờ đến hẹn. Trên cái bậc cửa đó, tôi sống với những ý niệm hoài thai trong ánh mắt nhìn của mẹ. Sáng cũng như chiều. Những bậc cửa mùa xuân như một phần ký ức ngọt ngào nhất trong tâm hồn thơ bé của tôi.
Không hiểu sao, mỗi độ xuân về, tôi hay hình dung về cái bậc cửa trước nhà. Cái bậc cửa đó, từ hồi bà nội còn sống, cứ mỗi chiều bà lại ngồi đó, ngóng về hướng đường làng, đợi tôi. Tôi cũng chạy ào vào lòng bà với chiếc cặp đựng đầy sách vở. Bà tôi, dáng người gầy cong, mái tóc cuộn tròn trong một chiếc khăn màu xám, rồi vấn lại thành vòng trên đầu. Bà có cái cơi trầu đã mòn nhẵn vì thời gian và năm tháng. Nhưng hình như, với bà nội, cái bậc cửa lại là nơi bà trút nhiều tâm sự nhất, khi bà một mình chăm sóc cha tôi, các bác, các chú lớn lên và trưởng thành. Hồi đó, ông nội tôi đi làm xa. Chiếc xe đạp phượng hoàng màu đen là tài sản quý nhất của ông bà hồi đó. Từ các bậc cửa đó, mỗi ngày bà quét dọn nhà hai lần vào sớm tinh mơ và chiều vãn ngày. Bà nói, cuộc sống còn khó khăn nhưng mình phải tươm tất, phải chỉnh chu. Tôi hồi đó còn bé, tóc để chỏm đuôi gà, chạy long tong với lũ bạn chăn trâu, chăn bò. Đi học rồi lớn lên với cái bậc cửa đó của những ngày tuổi ấu thơ nguyên trinh kỷ niệm. Là miền ký ức ngọt ngào không thể thay thế trong tôi và không thể đánh đổi bất cứ điều gì.
Khi tôi lớn lên, vẫn hay hỏi cha tôi về cái bậc cửa. Cha chỉ giải thích đơn giản, là vì nhà làm nông, khi cất nhà bằng vách trét bằng đất với rơm, người ta thường làm cái bậc cửa, một là để dễ dàng dọn dẹp nhà cửa, quét bụi đất qua khe hở đó, việc nữa, khi khách khứa vào nhà chơi, đi qua bậc cửa, đều phải cúi người xuống. Bởi, văn hóa của vùng quê, bao giờ cũng giữ trọn những nét độc đáo như thế.
Tôi đã đi qua nhiều vùng quê, từ đồng bằng lên miền núi, từ phố thị xuống nông thôn. Nhưng, nhà cửa bây giờ, mấy ai còn làm cái bậc cửa như ngày xưa. Điều đó cũng hợp với quy luật phát triển của xã hội và sự đổi thay của cuộc sống mỗi con người. Thi thoảng, ở sau những mái đình làng, sau những nếp quê đã in sâu trong tiềm thức của tôi, lại hiện về cái bậc cửa đó. Mênh mang một khoảng trời đầy nắng. Long lanh như nước mắt bà tôi những ngày ngồi tưởng tượng dáng chú tôi chiến đấu oai hùng và hy sinh ở chiến trường B. Đó là khi mẹ tôi về làm dâu nhà nội, vào những buổi chiều rượm nắng lại trải mái tóc dài ra gội bằng quả bồ kết với lá cây hái trong vườn thơm ngát. Và cả hình ảnh cha tôi cười thật tươi mỗi độ xuân về, khi hái đủ trái cây trong vườn của nội bày tròn mâm ngũ quả cúng ông bà trong đêm giao thừa. Cái bậc cửa. Nguyên vẹn với tôi như một miền ký ức không thể rời xa.
Nếp nhà, dù có đi đâu, làm gì, tôi vẫn luôn là người hoài niệm. Cái nền gốc của một người, ai chẳng muốn lưu giữ trong kho nguyên liệu của mình để bồi đắp thêm cho cuộc sống. Tôi vẫn hay ngồi ngắm những ngôi nhà cổ được phục dựng trên phố. Vẫn có vài ba nơi làm thêm cái bậc cửa. Nét xưa lại hiện về réo gọi và hối thúc tôi. Cuộc sống ngày càng phát triển, vươn tới và hội nhập. Nếp nhà cũng thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Nhà bà nội tôi bây giờ cũng thế. Khi gia đình bác về sống ở đó để tiện việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Bác tôi đã cho làm lại ngôi nhà. Nhưng vẫn còn bậc cửa. Bác nói, muốn con cháu sum họp mỗi độ tết đến xuân về. Khi khói nhang quyện vào đất trời và hình ảnh vời xa của ông bà nội đã là vĩnh hằng phía bên kia cuộc sống của tôi.
...Giữa những khoảng chơi vơi của năm cũ và năm mới, con người cũng như tươi mới hơn. Những vạt gió vờn mái tóc mây vào một ngày thức muộn. Chờ Xuân. Tôi đứng trên cánh đồng lúa vàng và hít thở cái nồng nàn của đất trời và hương lúa mới. Những đám mạ non tơ cứ nõn nà xanh, khắc lên mặt đất sự sống diệu kỳ của đêm và ngày. Để sau mùa xuân lại là một vụ mùa bội thu trên từng đồng quê đất Việt. Tôi đã chờ một nụ tầm xuân đầu ngõ nở đúng thời khắc tháng giêng trời rất trong và đầy gió. Những ngôi sao mai đã thức trọn mỗi đêm trên bầu trời. Mẹ tôi thường thức dậy trước bình minh để ra vườn sau hái những bó rau cải đầu mùa nồng cay. Mùa xuân, vẫn còn nhiều lá vàng rơi trong sân. Mẹ đã gom không biết bao nhiêu mùa lá vàng như thế, mẹ nói là để nhớ về ngôi nhà cũ của ông bà nội và thương về bậc cửa ngày xưa.
Và trước thềm xuân, mẹ thường ngồi lại, như để nhẩm tính đủ thời gian rơi trên từng sợi tóc, trên vầng trán, trên đôi mắt, trên gương mặt đã đong đầy dấu ấn thời gian.
Xuân nhớ mẹ
N.T.A.Đ