Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Đường xa không mỏi…

26.12.2016


Nhiều người yêu quý gọi ông là "Người chép sử bằng âm nhạc", "Nhạc sĩ của thiếu nhi"... nhưng có lẽ với người nhạc sĩ có gia tài đồ sộ trên 700 ca khúc ấy thì những danh xưng ấy đều không quá quan trọng. Chỉ với cái tên Phạm Tuyên, người nhạc sĩ có nụ cười hiền lành đã đủ làm nên bao niềm thương mến với nhiều thế hệ khán giả. 
Hơn một bữa tiệc bằng âm nhạc, hơn cả món quà chúc mừng sinh nhật, tại đêm nhạc "Phạm Tuyên - Nhớ và Quên", diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ngày 14 - 1 - 2017, khán giả sẽ thấu hiểu hơn những trang sử từ chính cuộc đời nghệ thuật của nhạc sĩ  được mở ra bằng âm nhạc và những câu chuyện kể... 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Đường xa không mỏi…

Gần 90 tuổi, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn giữ được sức khỏe ổn định, đặc biệt là trí nhớ minh mẫn, thông tuệ. Tại buổi họp báo đêm nhạc "Phạm Tuyên - Nhớ và Quên", nhạc sĩ có nụ cười hiền hậu ấy vẫn trả lời nhiệt tình, đầy đủ và hóm hỉnh những câu hỏi phỏng vấn của cánh báo chí trong và sau họp báo.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến, con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên cho hay: Đã có nhiều đêm nhạc riêng về sự  nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ, tuy nhiên, đây là đêm nhạc đầu tiên do gia đình, những người thân đứng ra tổ chức với mong muốn là một món quà tặng ông nhân sinh nhật lần thứ 88.

Với tiêu chí hướng đến "Âm nhạc là điều quan trọng nhất, là tối thượng", ê kíp thực hiện chương trình có sự chung tay của những tên tuổi trong lĩnh vực tổ chức âm nhạc, đặc biệt vô cùng yêu kính người nhạc sĩ tài hoa, đức độ như đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Lưu Hà An, nhà báo Lại Văn Sâm...

Là cha đẻ của nhiều ca khúc nổi tiếng dành cho nhiều thế hệ khác nhau với hơn chục đêm nhạc được tổ chức riêng nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên hầu như không bao giờ can dự vào khâu tổ chức chương trình. Việc chọn bài hát, chọn ca sĩ hay dàn dựng chương trình... ông đều tin tưởng vào ê kíp thực hiện: "Tôi hoàn toàn tôn trọng và đặt niềm tin của mình vào những người thực hiện. Mỗi chương trình, với tôi luôn là một phần thưởng dành cho tác giả nên tác giả không nên áp đặt ý kiến của mình vào. Tôi vẫn nhớ mãi đêm nhạc mà Hội nhạc sĩ Hà Nội tổ chức mừng tôi tròn 77 tuổi vào ngày 7 - 7 - 2007. Anh Văn Dung phụ trách chương trình đã bảo tôi "Hôm nay anh không phải làm gì cả, hãy cứ là khán giả thôi nhé".Nhà báo Phạm Hồng Tuyến chia sẻ, là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn có mong mỏi có thêm nhiều người tiếp bước ông viết ca khúc cho thiếu nhi. Chính vì vậy, đêm nhạc sẽ dành một thời lượng không nhỏ cho các khán giả nhỏ tuổi.

Còn nói về đêm nhạc sắp tới, nhạc sĩ Phạm Tuyên hóm hỉnh: "Cho đến thời điểm này, tôi không được biết thông tin gì về chương trình. Với tôi, chương trình này là một món quà. Chính vì thế, tặng gì với tôi cũng quý. Và xem trước món quà thì mất hết thú vị."

Khá kiệm lời khi nói về chương trình, đạo diễn Phạm Hoàng Nam chỉ tiết lộ lý do đặt tên chương trình là "Phạm Tuyên - Nhớ và Quên". Anh giải thích, 88 năm cuộc đời nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng là từng ấy năm lặng thầm làm người chép sử bằng âm nhạc. Câu chuyện về sự lặng thầm ấy sẽ được kể bằng chính âm nhạc của ông.

Có thể có những điều nhạc sĩ đã quên, nhưng có một người luôn luôn nhớ và miệt mài ghi lại từng chi tiết đó là người vợ vô cùng yêu dấu của ông - PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, nhà giáo, nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ em. Trước khi qua đời, người vợ thảo hiền của nhạc sĩ đã kịp để lại cuốn hồi ký đầy xúc động "Chúng tôi đã sống như thế" với biết bao câu chuyện buồn vui xung quanh câu chuyện tình yêu, gia đình và sự nghiệp của chồng.

Và câu chuyện tình yêu của ông bà cũng đã trải qua biết bao định kiến và thăng trầm của cuộc sống, lần đầu tiên được hé lộ trên sân khấu âm nhạc qua chính ca khúc chủ đề "Nhớ và Quên".

Gặp lại trên sân khấu "Phạm Tuyên - Nhớ và Quên" là những giọng ca vang bóng một thời, nhiều gắn bó với những sáng tác của ông: NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu, NSND Thanh Hoa. Cùng những giọng ca thính phòng nổi bật hiện nay như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh cùng những ngôi sao sân khấu như NSƯT Thanh Lam, Tùng Dương.

Ngoài ra, khán giả cũng sẽ được thưởng thức những ca khúc thiếu nhi đã đi vào lòng biết bao thế hệ người yêu nhạc, qua những dàn hợp xướng thiếu nhi lên tới hàng trăm bạn nhỏ và đại diện là hai giọng ca Việt Nam và New Zealand: Nhật Minh và Jayden.

Ngay từ khi còn là học sinh ở trường Quốc học Huế, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bắt đầu viết những nốt nhạc đầu tiên cho mình và chỉ tạm nghỉ cách đây một vài năm vì lý do sức khỏe. Những khán giả yêu nhạc có thể kể tên hàng chục ca khúc của ông vì bài nào cũng dễ thuộc dễ nhớ và đi vào lòng người. Phạm Tuyên cũng là một trong số ít những nhạc sĩ có ca khúc ở nhiều mảng khác khau.

 


Đặc biệt, nhắc tới nhạc sĩ Phạm Tuyên là người ta nhớ tới những ca khúc vui tươi dạt dào tình cảm ông dành cho thiếu nhi - thế hệ tương lai của đất nước. Hơn 200 ca khúc dành cho thiếu nhi là một con số không nhỏ cho thấy sự yêu thương đặc biệt mà người nhạc sĩ tài hoa dành cho đối tượng này.Khi đất nước còn chiến tranh, những ca khúc của ông như "Yêu biết mấy những con đường", "Chiếc gậy Trường Sơn", "Tiếng hát những đêm không ngủ"...đã theo chân những chiến sĩ vượt Trường Sơn khói lửa, vững vàng ý chí trước kẻ thù. Khi đất nước thanh bình, những nốt nhạc của ông lại reo vui với những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống "Từ một ngã tư đường phố", "Phố ngoại ô", "Thành phố 10 mùa hoa", "Gửi nắng cho em"... Những nốt nhạc thăng hoa của ông đã làm thành những giai điệu đẹp trong "Con kênh ta đào", "Màu cờ tôi yêu", "Đảng đã cho ta một mùa xuân"...

Những người bước qua tuổi thơ hẳn đã thuộc nằm lòng những ca khúc như "Trường của cháu đây là trường mầm non", "Chiếc đèn ông sao", "Tiến lên đoàn viên", "Chú voi con ở bản Đôn", "Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội"... Nhạc sĩ Phạm Tuyên còn là nhạc sĩ dịch nhiều bài hát nước ngoài. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, hai bài hát thiếu nhi nổi tiếng của Liên Xô là "Ở trường cô dạy em thế" và "Nụ cười" đã được Phạm Tuyên dịch lời rất thành công.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn nói một cách giản dị, hóm hỉnh về các sáng tác của mình. Ví như ông kể, ông sáng tác ca khúc "Trường của cháu đây là trường mầm non" vì yêu cầu của con gái khi học mẫu giáo "Bố mà không viết, con không đi học đâu". Sau này, chữ "mầm non" được các cô đổi thành tên của các trường cho hợp hoàn cảnh. Rồi ca khúc "Từ một ngã tư đường phố" được ví như "ngành ca" của Cảnh sát giao thông.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: "Từ một ngã tư đường phố" được ông sáng tác năm 1971, sau chuyến đi thực tế do Bộ Công an tổ chức: "Tình cờ một lần đi lên cơ quan, qua một ngã tư, tôi thấy có mấy cột đèn giao thông mới được dựng. Cạnh đấy là anh cảnh sát giao thông đứng hướng dẫn người đi đường. Chịu đựng khói xe, tiếng ồn, nắng đổ, họ đang âm thầm làm việc vì sự bình yên trong giao thông, cũng là sự bình yên của đất nước. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không viết về chính cái ngã tư đường phố và anh cảnh sát giao thông đang làm việc ở đây. Thế là về nhà tôi viết ngay, viết rất nhanh".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn nói một cách giản dị và khiêm nhường về những đóng góp lớn lao của mình. Có thể những ý tưởng của ca khúc đến tự nhiên, tình cờ nhưng khi ngồi trước trang giấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn kỹ lưỡng và trau chuốt từng giai điệu, lời ca. "Trước khi đặt bút sáng tác tôi thường nhắc mình: "Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?".

Người nhạc sĩ ấy cũng không quên nhắn nhủ tới những nhạc sĩ trẻ: "Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ thông minh, được đào tạo bài bản nhưng có cảm giác ít chịu đọc sách quá. Chính vì thế mà vốn từ trong các ca khúc của các bạn không phong phú, giàu cảm xúc. Chưa kể tình trạng pha tạp, sử dụng ngôn ngữ nước ngoài vô tội vạ. Nhạc sĩ ngoài kiến thức âm nhạc phải có phông văn hóa sâu, rộng".

Hơn cả tài năng, sở dĩ những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên sống mãi trong lòng nhiều khán thính giả chính bởi đã được sáng tác bằng trái tim luôn ấm nóng tình yêu đời, như lời ông chia sẻ: "Ước mong của tôi là một đất nước Việt Nam thanh bình giàu có... Vấn đề là chúng ta giữ cho mình được tấm lòng trọn vẹn với đất nước, với quê hương. Đấy là vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài và là động lực để tôi sống đến hôm nay".

Thảo Duyên
(vnca.cand.com.vn)