NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG: Người kể chuyện văn chương đích thực Nam Bộ

17.02.2014
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói với chúng tôi về nghề và nghiệp. Giọng ông rủ rỉ, như chưa uống đã say, thật gần gụi, thân tình: “Nói gì thì nói, cuối cùng các bạn phải trả lời cho được, mình viết cái gì, cho ai và để làm gì".

Như sợ chúng tôi hiểu lầm, ông nói trong hơi men chếnh choáng: “Ấy không phải tớ nói, mà là nhắc lại lời của Cụ Hồ nói đó...”.

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG:  Người kể chuyện văn chương đích thực Nam Bộ

Tôi đang trên đường cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn và anh em Báo Sài Gòn Giải phóng lên Kon Tum xây dựng đền liệt sĩ, tưởng niệm những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, thì nghe tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trần.

Nỗi bâng khuâng, tiếc thương chưa dứt thì nhận được điện thoại của nhà báo Phan Tùng Sơn: “Anh là người có quan hệ khá thân thiết với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Quân đội nhân dân về nhà văn có nhiều gắn bó với Bộ đội Cụ Hồ được không?".

Bận bịu với công việc khởi công ngôi đền thờ liệt sĩ giữa ngã ba Đông Dương này, nhưng với lòng kính trọng một nhà văn tài năng, dung dị, có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng nước nhà, đặc biệt với quân đội ta; sau cuộc  “hành quân” gần ngàn cây số, tôi đã ngồi viết. Viết về ông, một anh Bộ đội Cụ Hồ, một nhà văn mà tên tuổi gắn liền với  nền văn chương cách mạng, về sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI - người kể chuyện văn chương đậm đặc màu sắc Nam Bộ.

Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngay từ khi còn cắp sách tới trường. Những tác phẩm của ông như: Con chim vàng; Người quê hương; Nhật ký người ở lại; Đất lửa; Chiếc lược ngà...,  đã cuốn hút tôi với lối kể dung dị, gần gụi đời thường.

Sau này vào Nam Bộ chiến đấu, lại cùng chiến trường với ông, tôi càng quý trọng và ngưỡng mộ ông - người truyền lửa cho bạn đọc. Nhưng thực sự, phải sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi mới có cơ hội được gần gũi ông nhiều hơn. Đó là những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi ông là một trong những nhà văn được giao trọng trách thành lập Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Lúc ấy, phải nói, có nhiều quan điểm khác nhau về văn học nghệ thuật. Sự giao thoa các văn nghệ sĩ từ nhiều nguồn: Trong rừng ra, ngoài Bắc vào và cả những người hoạt động văn học nghệ thuật trong lòng đô thị tạm chiếm..., đã xuất hiện những quan điểm khác nhau về hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là những người làm văn chương.

Tôi là một trong những người được dự đại hội lần thứ nhất - những người sáng lập Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một trong những người chủ trì. Trước diễn biến tư tưởng phức tạp ấy, theo chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trực tiếp là đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy, các nhà văn là đảng viên cần có cuộc họp để thống nhất tư tưởng. Tôi không nghĩ nhà văn người Nam Bộ Nguyễn Quang Sáng, với lối kể chuyện "lai rai", dung dị ấy lại là người nhất quán, quyết liệt khi xác định vị trí và trách nhiệm của nhà văn trước vận hội mới của đất nước. Tôi vẫn nhớ như in, cuộc họp để bàn bạc những vấn đề quan trọng của văn học đã diễn ra nhiều lần, trước khi đại hội chính thức.

Sau lần ấy, tôi được trực tiếp làm việc với nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong dịp ông vào giảng dạy ở lớp bồi dưỡng viết văn của các lực lượng vũ trang Quân khu 7. Dạo ấy không chỉ quân đội mà toàn dân ta còn nghèo lắm. Cơm độn bo bo, khoai sắn. Quý lắm mới chạy được ít mỳ và thịt heo xô, đông lạnh.

Nhà báo Mai Bá Thiện, thủ trưởng của chúng tôi mời nhà văn Nguyễn Quang Sáng ăn cơm sau buổi lên lớp, bữa ăn độn bo bo và rau muống luộc. Ấy vậy mà nhà văn vẫn vui vẻ, thăng hoa sau những ly rượu sắn nồng cay.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói với chúng tôi về nghề và nghiệp. Giọng ông rủ rỉ, như chưa uống đã say, thật gần gụi, thân tình: “Nói gì thì nói, cuối cùng các bạn phải trả lời cho được, mình viết cái gì, cho ai và để làm gì".

Như sợ chúng tôi hiểu lầm, ông nói trong hơi men chếnh choáng: “Ấy không phải tớ nói, mà là nhắc lại lời của Cụ Hồ nói đó...”.

Trại viết văn của những người lính miền Đông Nam Bộ năm ấy có nhiều tác phẩm mang đậm hơi thở người lính, được in thành sách. Thành quả ấy có công lao đóng góp to lớn của thầy - nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Sau này, đọc nhiều tác phẩm của ông, được trực tiếp ngồi uống rượu với ông cho  “tới bến", chúng tôi càng quý trọng ông, một nhà văn nổi tiếng, nhưng rất dung dị, thân tình - một người Nam Bộ kể chuyện văn chương rất có duyên và đặc biệt, một người lính Bộ đội Cụ Hồ suốt đời vì màu cờ, sắc áo.

Từ Tây nguyên xa xôi, không kịp về viếng ông. Bài viết ngắn này như một nén tâm nhang gửi tới người Thầy, người Anh kính yêu - nhà văn Nguyễn Quang Sáng - người kể chuyện văn chương đích thực Nam Bộ.

Kon Tum, đêm 14-2-2014

Trần Thế Tuyển

Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn