Nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu: Nghiệp văn đã chọn

10.04.2017

Tôi thầm cảm ơn Tạ Minh Châu và nhờ có anh mà nhiều nhà thơ Việt Nam, độc giả thơ Việt Nam hiểu W. Szymborska một cách có hệ thống và sâu sắc hơn...
1.  Khi mới học lớp 5 Trường cấp 2 Thanh Sơn (Phú Thọ), cậu bé Tạ Minh Châu đã viết một mẩu chuyện rất cảm động, có văn, được thầy giáo chủ nhiệm lúc ấy đọc và khích lệ nhiều.Tuy mẩu chuyện này không xuất hiện trên báo, trên tạp chí, nhưng nó là một kỷ niệm mang dấu ấn thuở thiếu thời, ít nhiều bộc lộ năng khiếu ban đầu mà cho đến bây giờ, tuy đã xấp xỉ tuổi 70, Tạ Minh Châu vẫn không quên. 

Nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu: Nghiệp văn đã chọn

Năm lên lớp 8 (1965), Tạ Minh Châu đã có tác phẩm đầu tay đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong. Đến năm lớp 10 (1967), Tạ Minh Châu đoạt giải A cuộc thi thơ của tỉnh Phú Thọ do nhà thơ Bút Tre làm chánh chủ khảo. Cũng năm 1967, vì một phần do ở xa, một phần vì đang bận tập trung trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc nên Tạ Minh Châu đã bỏ lỡ cơ hội xuất bản một tập truyện viết về thiếu nhi qua Nhà xuất bản Kim Đồng, cho dù trước đó, nhà thơ Định Hải đã gọi anh về Hà Nội để gấp gáp “hoàn chỉnh bản thảo”. Anh tâm sự: “Bây giờ nghĩ lại, vẫn thấy tiếc. Đó là điều đã xảy ra và không bao giờ lặp lại”.

Rồi như thể văn chương đã chọn Tạ Minh Châu vậy. Sau khi tốt nghiệp lớp 10, với học lực xuất sắc, anh được chọn đi du học ở Ba Lan và trở thành sinh viên Tổng hợp văn Warsaw. Thời kỳ còn là sinh viên, anh đã chọn dịch một số tác phẩm thơ tiêu biểu của Việt Nam đăng trên Tạp chí văn học nước ngoài của Ba Lan, Tạp chí Văn nghệ của Krakow (cố đô của “đất nước đại bàng trắng”) và gần như đồng thời chọn dịch một số tác phẩm thơ tiêu biểu của Ba Lan đăng trên Tuần báo Văn nghệ.

“Đi ngược hoàng hôn” tuy mỏng (chỉ có 24 bài thơ ngắn) nhưng nó nặng ở tình người, tình đời và bộn bề cảm xúc. Sau nhiều năm đọc lại, tôi vẫn nhớ những câu: “Tôi đi tìm mình trong mênh mang cô đơn” trong “Không đề” và “Ngủ đi em/ Giấc ngủ bình yên/ Dẫu cuộc sống có bao điều ước lệ/ Hạnh phúc, khổ đau, chân trời, góc bể/ Chỉ rất thật là em và làn hơi thở nhẹ/ Cho thơ anh buông neo mỗi lúc đêm về” trong “Lời neo trong đêm”. Tôi nhớ hơn cả là “Khoảnh khắc” với sự tinh tế và sự run rẩy chất thi sĩ toát ra từ nó:Khoảng 1992, trong một lần gặp gỡ có thể nói là rất hữu duyên, Tạ Minh Châu được nhà thơ đàn anh, đồng hương Phạm Tiến Duật tạo cho một cú huých. Sau khi đọc mấy chục bài thơ của Tạ Minh Châu, Phạm Tiến Duật bảo: “Thơ rất được. Phải in đi, Châu ạ. Không in tức là bỏ phí đấy”. Thế là “được lời như cởi tấm lòng”, Tạ Minh Châu đã cho in tập thơ đầu tay mang tên “Đi ngược hoàng hôn” qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn vào đầu năm 1994. Đến năm 1996, Tạ Minh Châu trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Mặt nước lặng im
Nhìn tôi bằng đôi mắt của tôi
Mỉm cười bằng nụ cười của tôi.

Nước viết hộ tôi những lời
Đã bao tháng năm hằn trên đầu bút
Nước hát hộ những cháy khát
Bài ca lặng im…

Nước ơi hãy ngừng đập con tim
Gió ơi hãy ngủ yên
Bởi nếu tất cả cựa mình
Tôi sẽ lại bao ngày không nghe tiếng hát
Và mực sẽ lại đọng khô đầu bút.

2. Trước khi ra mắt bạn đọc “Đi ngược hoàng hôn”, từ 1986 đến 1988, Tạ Minh Châu đã cho xuất bản nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà văn Ba Lan nổi tiếng được anh chuyển ngữ như I. Ivatxkievich, M. Oruon, Andreievski qua Nhà xuất bản Tác phẩm mới và Nhà xuất bản Kim Đồng. 

Sau này, từ 1994 đến 2016, anh lại cho xuất bản 2 tuyển thơ dịch của W. Szymborska và C. Milosz nữa. Riêng Tuyển thơ của W. Szymborska – Giải thưởng Nobel 1996 đã được Tạ Minh Châu chuyển ngữ rất kịp thời và được xuất bản cũng rất kịp thời qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Tôi đã đọc rất kỹ tập thơ này và nhận thấy: Ở đời, kẻ không thông minh cho lắm, lại không có tài, thường làm phức tạp những vấn đề vốn đơn giản. Còn người thông minh và có tài, thường làm đơn giản những vấn đề vốn phức tạp. Kẻ “làm phức tạp những vấn đề đơn giản” như được sinh ra để hù dọa, chia rẽ. Còn người “làm đơn giản những vấn đề phức tạp” lại như được sinh ra để chinh phục, tập hợp. Đó là hai loại “vũ khí” mà kẻ trí thường chọn để hành xử. Và W. Szymborska đã chọn thứ “vũ khí” thứ hai – “làm đơn giản những vấn đề vốn phức tạp”.

Tất nhiên, thơ Szymborska tuy giản dị, sâu sắc nhưng không hoàn toàn dễ hiểu và không dễ làm. Với bà, sự tối thượng của thơ không nằm trong câu, trong chữ, mà nằm trong ý, trong tứ. Hay nói một cách khác: Thơ Szymborska không dành cho những độc giả lười biếng, ít chịu đào sâu suy nghĩ, ít chịu tư duy.

W. Szymborska làm thơ không để đánh đố ai. Nhưng để “giải mã” một cách thấu đáo về thơ của bà cũng không phải là chuyện đơn giản. Nêu thế để thấy: Thơ W. Szymborska luôn đa tầng, đa nghĩa và luôn có chiều sâu của sự phát hiện. Mặt khác, thơ W. Szymborska cũng tràn đầy thông điệp. Mọi bài thơ mà bà viết ra đều nhắm đến một cái đích (hoặc nhiều cái đích) mang ý nghĩa nhân sinh, có tác dụng nâng vực, làm cho con người lớn dậy.

Tôi thầm cảm ơn Tạ Minh Châu và nhờ có anh mà nhiều nhà thơ Việt Nam, độc giả thơ Việt Nam hiểu W. Szymborska một cách có hệ thống và sâu sắc hơn.

Tạ Minh Châu cho biết thêm: “Cũng từ lâu rồi, mặc dù là một quốc gia nghèo của châu Âu nhưng Chính phủ Ba Lan vẫn rất quan tâm đến việc giới thiệu văn học Ba Lan ra nước ngoài. Ở Ba Lan có Viện Sách, mỗi năm được đầu tư đến vài triệu USD để có thêm điều kiện quan tâm các dịch giả trên toàn thế giới dịch văn học Ba Lan. Cứ 4 năm một lần, Viện Sách lại mời các dịch giả văn học Ba Lan từ mọi quốc gia về Ba Lan để quảng bá văn học Ba Lan”.Tạ Minh Châu cho biết: “Sau khi dịch thơ W. Szymborska, do có công truyền bá văn học Ba Lan, tôi đã được Bộ Văn hóa Ba Lan tặng huy chương Vì sự nghiệp văn hóa. Riêng về thơ, đã nhiều năm nay rồi, độc giả Ba Lan luôn đòi hỏi đã là thơ thì phải có thông điệp, có tính triết lý, có trách nhiệm xã hội, không thể có thứ thơ  buông xuôi, giải trí thuần túy. Từ lâu, các tác phẩm dịch văn học Ba Lan của tôi đều có chủ định và chủ ý. Tôi luôn chọn những tác phẩm tiêu biểu của các tác giả tiêu biểu để dịch. Tôi muốn độc giả Việt Nam hình dung ra bộ mặt, những nét chính yếu lẫn thế mạnh của nền văn học Ba Lan”.

Khi tôi hỏi: “Anh nghĩ sao khi nhà thơ đương đại người Áo K. Lubomirski viết bài thơ “Ba Lan” chỉ gói tròn trong 14 từ như thế này: “Là nơi/ Người ta chôn cất các nhà thơ/ Bên cạnh các ông vua”? Lập tức, Tạ Minh Châu khẳng định: “Đúng như vậy đấy. Ở Ba Lan, các nhà thơ luôn có một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần và họ được liệt hạng là những danh nhân văn hóa. Bởi vậy mà ở nhiều hầm mộ, việc chôn cất các nhà thơ được vinh danh bên cạnh các ông vua là điều dễ hiểu và dễ lý giải thôi”.

Có một kỷ niệm mà cho đến nay, Tạ Minh Châu còn cảm động mãi. Ông kể: “Khi rời Ba Lan khi mãn nhiệm kỳ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền vào năm 2002, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan lúc đó là ngài Kwasniewski có nói với tôi: Sau này, ngài có thể làm nhiều việc mang những ý nghĩa khác và có thể có những đóng góp lớn lao hơn ở cương vị mới, nhưng tôi mong ngài không bao giờ ngừng dịch văn học của đất nước chúng tôi”.

3. Tạ Minh Châu người gốc Việt Trì (Phú Thọ). Ông nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, nguyên Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương. Ông có đến 50 năm gắn bó và 15 năm sống và làm việc ở Ba Lan.

 

Hồi ở Warsaw, ông là người đã có công gây dựng, góp phần đặt nền móng thành lập Hội người Việt Nam đoàn kết và hữu nghị tại Ba Lan. Đến năm 1999, Hội này đã cho ra mắt Tạp chí Quê hương, trong đó có dành một số trang giới thiệu các sáng tác văn học. Nhiều tác phẩm của Lâm Quang Mỹ, Lê Bá Thự, Nguyễn Văn Thái đã lần lượt xuất hiện trên Quê hương và sau này, cả 3 người này đều đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhớ lại những ngày ở Ba Lan, Tạ Minh Châu nói: “Đó là một đất nước của những người đôn hậu và lòng bao dung, lòng yêu thương con người đã trở thành truyền thống trong trái tim Ba Lan. Việc Ba Lan thành lập nước năm 996, cùng với ngày công nhận Thiên chúa giáo là quốc giáo, có thể là nguyên cớ để cắt nghĩa những phẩm chất nhân từ, nhân ái đó. Phải chăng ở đời, học yêu thương vẫn là cần thiết và khó khăn hơn cả?”.

Còn thời gian ở Lào, Tạ Minh Châu đã viết khá nhiều thơ. Sau này, ông đã chọn in một tập thơ song ngữ Việt – Lào với cái tên vừa lạ vừa gợi, mang tên: “Buộc vào”.

Đặng Huy Giang
(vnca.cand.com.vn)