Nguyễn Tư Nghiêm: Người đứng riêng trong mỹ thuật hiện đại

20.06.2016

Ông ra đi, để lại một di sản lớn trong nền mỹ thuật và văn hóa Việt Nam, cho thấy một sức ảnh hưởng mạnh mẽ về tư tưởng sáng tác nghệ thuật.
Là một họa sĩ nổi tiếng với dòng tranh sơn mài, bột màu, với các tác phẩm tiêu biểu như: Gióng, Điệu múa cổ, 12 con giáp, Con nghé quả thực...họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là dấu gạch nối quan trọng mang hơi thở đương đại cho mỹ thuật cổ. Tác phẩm của ông cho thấy sự kế thừa những gì tinh túy nhất của mỹ thuật cổ Việt Nam, đồng thời thể hiện sự sáng tạo riêng có của Nguyễn Tư Nghiêm trong hơi hướng trường phái lập thể. 

Nguyễn Tư Nghiêm: Người đứng riêng trong mỹ thuật hiện đại

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có hàng trăm bức tranh về điệu múa cổ nhưng không bức nào giống bức nào. Nếu đặt chúng cạnh nhau, dường như người xem sẽ thấy có sự dịch chuyển như trên sân khấu, tạo nên nhịp điệu gấp khúc về mặt thị giác, đồng thời như có âm hưởng của chiếu chèo vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điều đó khiến chobất cứ ai khi xem tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng đều như cảm thấy mình lạc giữa những ngôi đình, ngôi chùa cổ kính, với những liền anh, liền chị xúng xính nón quai thao, khăn đội đầu, sống động nhưng lại rất hiền hòa.

Họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng: họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã cảm nhận được sự tài hoa của các nghệ nhân dân gian xưa khi chạm khắc trên những vì kèo đình làng những nét vẽ tự nhiên mà linh hoạt đến vậy.

"Những điệu múa cổ đối với tôi là những minh chứng để thấy rằng họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là hậu duệ xuất sắc của cha ông ta để lại một nền kho báu mỹ thuật của dân tộc Việt. Tôi nhìn thấy trong đó những làng, y môn, cửa võng, đầu đao... những gì tinh túy của người Việt được chạm lên các ngôi chùa, ngôi đình. Và điều đó có giá trị tôn vinh nền văn hóa mỹ thuật Việt Nam qua thế hệ các họa sĩ. Điều đó giá trị hơn nhiều so với một bức tranh đẹp", họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.

Với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, chất liệu, đề tài trong sáng tác chỉ như một cái cớ, phần lớn ông dành thời gian và tâm huyết để theo đuổi trạng thái và cảm xúc của mình. Không đi minh họa cái đẹp như nó đã có, ông đã chơi đùa, thậm chí, rất hồn nhiên trên ngòi bút. Từ những phác thảo bột màu khổ nhỏ cho đến những bức tranh sơn mài lộng lẫy, biến ảo trong những khoảnh khắc, ông đã đưa người xem đến tận cùng cảm xúc. Đó là thủ pháp tạo hình ấn tượng hình ảnh Thánh Gióng khỏe khoắn với cây tre đằng ngà uốn cong, là niềm hân hoan trong những tà áo dài tràn ngập sắc màu đêm hồ Gươm sau ngày hòa bình lập lại.

Họa sĩ Đào Hải Phong nói: "Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm là sự đằm thắm, kín đáo, tế nhị mà phải bình tĩnh, thanh thản chúng ta ngồi ngắm mới thấy được thần thái toát ra từ bức tranh đó. Nó rất huyền ảo, chỉ gợi cho ta có cảm giác rằng cái này là chùa làng ta, quê ta hay ở đâu đó, trên mảnh đất người Việt. Cùng một nội dung, người ta diễn tả bằng nhiều cách khác nhau thì mới là người giỏi, chứ không phải đổi đề tài. Và đương nhiên tranh của Nguyễn Tư Nghiêm không phải để cho số đông xem mà để thẩm thấu tranh ông phải thẩm thấu được văn hóa Việt.

Nguyễn Tư Nghiêm sống qua hai thế kỉ, đi qua rất nhiều trào lưu nghệ thuật của phương Tây nhưng vẫn giữ được hồn cốt của một con người kín đáo, bình dị và sự cực đoan trong nghệ thuật gần như tuyệt đối. Nếu như ông bằng lòng theo sự khuyến khích của các thầy giáo phương Tây thời bấy giờ để theo đuổi hội họa hàn lâm Châu Âu thì chưa chắc hội họa Việt Nam đã có một họa sĩ tài năng. Và nếu ông chấp nhận theo con đường hiện thực như một trào lưu chủ đạo của những năm kháng chiến thì chưa chắc ông đã được ghi tên trong một thế hệ vàng, ảnh hưởng lâu dài đến nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: bên cạnh Nguyễn Gia Trí- người có công đầu cho sự thay đổi sơn mài truyền thống thì Nguyễn Tư Nghiêm là người tiếp nối và đi tới những thử nghiệm thành công về ngôn ngữ cũng như bổ sung những gam màu mới cho đĩa màu sơn mài.

"Chính điều đó làm cho bảng màu sơn mài hiện đại Việt Nam phong phú hơn, nhiều hướng mở ra hơn. Và chính hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm là hội họa mở, ông để ngỏ cửa mà bất kì ai cũng có thể vào được. Chính họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là người được duyên mà từ sự thừa hưởng những giá trị di sản mỹ thuật truyền thống của người Việt, ông đã tạo nên một gạch nối hết sức quan trọng giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và nhân loại, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Sống khiêm nhường và lặng lẽ, thậm chí "để mặc cho sự cám dỗ bí mật và tôn thiêng của cái Đẹp lôi cuốn đi", Nguyễn Tư Nghiêm đã đi đến tận cùng sự sáng tạo, với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Điều đó không chỉ là tài năng mà còn là bài học lớn về nhân cách sống của một danh họa tài hoa./.

Phương Thúy
(vov.vn)