Nguyễn Huy Tưởng - nhà văn của trẻ thơ

29.06.2015

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người đặt nền móng cho nền văn học thiếu nhi trong giai đoạn mới. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, nhiều tác phẩm đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường ở nhiều cấp học... 
Dù chỉ tồn tại trên cõi đời có 48 năm và đã đi xa chúng ta hơn nửa thế kỷ, nhưng bằng phong cách sống và những sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã khiến các nhà quản lý văn nghệ, đồng nghiệp văn chương và bằng hữu thực sự khâm phục.

Nguyễn Huy Tưởng - nhà văn của trẻ thơ


Cũng như mảng truyện viết cho người lớn, với mảng viết cho thiếu nhi về lịch sử, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không quá lệ thuộc vào những sự kiện đã được ghi chép trong các sách biên niên sử. Ông biết cách nảy ra trong vô vàn chi tiết, sự kiện lịch sử được cho là có thật ấy, những tình huống, câu chuyện đặc sắc ấy rồi thổi vào đó những cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng, phù hợp với tâm lý, suy nghĩ của trẻ thơ, gợi mở cho các em nhiều điều thú vị. Tất cả nhằm giúp các em tiếp cận dễ dàng lịch sử, hiểu lịch sử để từ đó thêm yêu, thêm quý truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông ta.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Phạm Hổ, một trong những nhà văn gạo cội chuyên viết truyện cho thiếu nhi từng chia sẻ: Trong câu văn của Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta không bao giờ thấy lộ ra bóng dáng của điều ác mặc dù anh có miêu tả kẻ ác với tất cả lòng căm ghét - nhưng căm ghét không có nghĩa là ác. Nói rõ hơn: điều ác không có ở trong lòng anh. Văn anh là yêu thương, là đầm ấm, là bao dung… Rõ ràng đọc Nguyễn Huy Tưởng, càng thấy yêu văn và càng thấy yêu người.

Luôn đau đáu với việc sáng tác cho thiếu nhi và xuất bản sách cho các em, cùng với nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là hai sáng lập viên chủ chốt của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng - NXB đầu tiên dành riêng cho thiếu nhi Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là giám đốc đầu tiên và nhà văn Tô Hoài là người đặt tên cho NXB. Với cương vị và uy tín của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn mời gọi các văn nghệ sĩ cùng tham gia viết, vẽ cho các em. Có thể kể đến nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, các họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, Tạ Thúc Bình, các nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi... - những cộng tác viên của NXB Kim Đồng từ cái thuở ban đầu ấy. 

Bản thân nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã trực tiếp viết nhiều cuốn sách. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông, đến nay vẫn được coi là mẫu mực của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, được giảng dạy trong nhà trường ở nhiều cấp học, thường xuyên được xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt phải kể đến hình thức truyện tranh - từ những truyện cổ tích như Con cóc là cậu ông giời, Tìm mẹ, Thằng Quấy đến truyện lịch sử Lá cờ thêu sáu chữ vàng, tất cả đều được các thế hệ họa sĩ NXB Kim Đồng thể hiện thành truyện tranh theo phong cách truyền thống hoặc hiện đại. 

Tưởng nhớ ông, ngày 17-6, NXB Kim Đồng phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi giúp độc giả hiểu rõ hơn về mảng sách thiếu nhi buổi đầu thành lập NXB. Triển lãm trưng bày hàng trăm bức ảnh, bút tích, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; đặc biệt là những đóng góp của ông trong công tác xuất bản sách cho thiếu nhi. Trong đó, có những bút tích nhắc nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tạ Thúc Bình… viết, vẽ cho các em; những tư liệu ghi chép phục vụ cho sáng tác; những trang nhật ký thể hiện quan điểm, tư tưởng sáng tác của nhà văn; những bức thư thăm hỏi, trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với các nhà văn, cộng tác viên, cán bộ biên tập của NXB Kim Đồng như Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Nguyễn Xuân Sanh… 

Vào đầu tháng 7 tới tại Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh” do UBND huyện Đông Anh, UBND xã Dục Tú phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam... tổ chức.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh năm 1912, tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ năm 1938, Nguyễn Huy Tưởng đã hoạt động tại Hội Truyền bá quốc ngữ. Cuối năm 1944, ông bắt đầu tham dự các buổi họp bí mật của Hội Văn hóa cứu quốc. Tháng 6-1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa cứu quốc... Với khoảng hai mươi năm cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm khá lớn. Trong đó, tiểu thuyết có Đêm hội Long Trì (năm 1942), An Tư công chúa (năm 1944); truyện có Anh Lục (năm 1955), Bốn năm sau (năm 1959), Sống mãi với thủ đô (năm 1960)...; kịch gồm có: Vũ Như Tô (năm 1943), Cột đồng Mã Viện (năm 1944), Bắc Sơn (năm 1946), Những người ở lại (năm 1948), Anh Sơ đầu quân (tập kịch - năm 1949), Lũy hoa (năm 1960)...; truyện ký có: Ký sự Cao Lạng (năm 1951)...


Mai An
(sggp.org.vn)