Nghiên cứu văn hóa biển Đà Nẵng qua phương pháp điền dã dân tộc học

07.07.2024
P.V
Đó là chủ đề Tọa đàm khoa học do Trường Ngôn ngữ Xã hội Nhân văn và Hội Văn nghệ dân gian thành phố phối hợp tổ chức vào sáng 7/7 tại Trường Đại học Duy Tân.

Nghiên cứu văn hóa biển Đà Nẵng qua phương pháp điền dã dân tộc học

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố và Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật - Trưởng phòng Trưng bày - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho rằng văn hoá biển xứ Quảng nói chung, văn hóa biển Đà Nẵng nói riêng không chỉ là những gì thuộc về quá khứ và cũng không chỉ là những gì thuộc về dân gian. Văn hoá biển xứ Quảng nói chung, văn hóa biển Đà Nẵng nói riêng được hình thành từ khi có con người sinh sống trên vùng đất này, không ngừng phát triển đến tận hôm nay và sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai mai sau, và là sản phẩm của cả dân gian lẫn bác học.

Văn hoá biển còn gắn liền với tầm nhìn hướng biển, với tư duy đại dương vì thế cũng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển cảng biển quốc tế Đà Nẵng từ chỗ là một tiền cảng của thương cảng quốc tế Hội An ở các thế kỷ XVII, XVIII, đến chỗ trở thành cảng biển ngoại giao và ngoại thương duy nhất của nước ta - vừa gần vừa xa kinh thành Huế từ đầu thế kỷ XIX và đến chỗ trở thành điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây chạy dọc từ Myanmar qua Lào rồi Quảng Trị, Thừa Thiên Huế để cuối cùng vươn ra thẳng Biển Đông. Ngoài ra, nếu nói về nét đặc sắc nhất của văn hóa biển đó chính là tín ngưỡng thờ Nguyễn Phục dọc ven biển miền Trung...

Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật chủ trì chia sẻ tại Tọa đàm.

Bằng kinh nghiệm nghiên cứu dân tộc học lâu năm, Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật đã chia sẻ phương pháp điều tra điền dã dân tộc học: nghiên cứu văn hóa dân gian phải sử dụng các phương pháp liên ngành trong đó chú trọng điền dã dân tộc học. Trong quá trình điền dã cần chú trọng ghi chép, khuyến khích đặt câu hỏi bằng ngôn ngữ của cộng đồng cư dân địa phương, nghiên cứu so sánh với các vùng biển có nét tương đồng như Trung Quốc, Nhật Bản... 

Tọa đàm đã gợi mở những hướng nghiên cứu mới như: Nghiên cứu văn hóa biển trong mối quan hệ đa chiều (con người với tự nhiên, con người với lực lượng siêu nhiên, an ninh con người gắn với sinh kế và vấn đề bảo vệ biên giới quốc gia trên biển...); không gian thiêng trong văn hóa biển; nghiên cứu các cách đặt tên địa danh có gắn liền với biển, đại dương; câu chuyện văn hóa về các dòng sông, cửa sông...

NNC Võ Văn Hòe chia sẻ về kinh nghiệm nghiên cứu văn hóa biển tại Đà Nẵng trên các lĩnh vực: tín ngưỡng, sinh hoạt hằng ngày...

NNC Đinh Thị Hựu chia sẻ về các đặc trưng văn học dân gian vùng biển xứ Quảng.

NNC Văn Thu Bích cho rằng, âm nhạc vùng biển Nam Trung bộ phong phú đa dạng nhưng nhẹ nhàng êm ái hơn các vùng biển tại Sri Lanka.

NNC Hồ Tấn Tuấn chia sẻ hoạt động sưu tầm của bảo tàng với văn hóa biển.

Đại biểu tham dự Tọa đàm chụp hình lưu niệm.

Tọa đàm góp phần giúp các nhà nghiên cứu có thêm môi trường trao đổi học thuật và được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học và tạo môi trường để các bạn sinh viên học hỏi, tiếp cận nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.