Nghệ sĩ Đặng Xuân Hải một đời làm phim về người lính

10.02.2015

Có một hạnh phúc giản đơn nhiều người lính vẫn thường mơ ước nhưng không phải ai cũng dễ dàng có được. Đó là hết chiến tranh, được trở về vui thú điền viên bên cạnh người thân, với ruộng đồng, với cái cuốc, cái cày, vườn cây, ao cá…

Đặng Xuân Hải đã may mắn hơn nhiều đồng đội của anh, có được hạnh phúc ấy của đời một người lính chiến.

Với anh, khi đất nước có họa xâm lăng, được giáp mặt với quân thù nơi tiền tuyến, được cống hiến hết mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc là khát vọng sục sôi của tuổi trẻ, là trách nhiệm cao cả của mọi công dân, bất kể đó là ai!

Nghệ sĩ Đặng Xuân Hải một đời làm phim về người lính

Có lẽ vì vậy mà Đặng Xuân Hải đã sớm khẳng định được ý chí tự lập, tự mình vươn lên bằng tài năng, sức lực của chính mình, không bao giờ muốn nương tựa vào ai hay tìm sự yên ấm, an toàn dưới những tán che của cây cao bóng cả. Anh sinh ra trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng lâu đời, trong một đại gia đình yêu nước, cách mạng dòng dõi. Cha anh, cụ Đặng Xuân Quát là con thứ ba trong một gia đình năm anh em trai mà Tổng Bí thư Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) là anh cả. Anh không thiếu những điều kiện dễ dàng để tiến thân, và thực tế đã có những lần tổ chức định cử anh đi học trường này, lớp nọ, nhưng anh vẫn chối từ để được thỏa sức tung hoành đời lính chiến.

Do số phận hay do sự đam mê tự thuở nào, anh đã trở thành phóng viên quay phim mặt trận sau một lớp đào tạo cấp tốc của quân đội. Kết thúc lớp học, chưa kịp chuẩn bị hành trang gì cho nghề nghiệp của mình anh đã vào ngay chiến trường Huế - Trị - Thiên, nơi đang diễn ra những trận chiến đấu ác liệt trước mùa xuân 1968.

Những cảnh quay đầu tiên trong đời làm phim của Đặng Xuân Hải cũng là những cảnh quay dũng cảm, đối mặt với sự liều lĩnh tàn bạo của kẻ thù, ghi lại những khoảnh khắc mưu trí, dũng cảm tuyệt vời của chiến sĩ ta trong chiến đấu.  Cũng chính ở chiến trường này, Đặng Xuân Hải đã hi sinh cả một phần máu của mình cho những thước phim tư liệu còn lại với chúng ta hôm nay và cả mai sau. Bộ phim tài liệu Chiến thắng xuân 68 đã được tặng giải đặc biệt dành cho “quay phim dũng cảm” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai, năm 1973.

Không biết ngẫu nhiên hay là cái duyên gặp gỡ trùng phùng giữa chiến tranh và người lính mà Đặng Xuân Hải đã có mặt trong tất cả các mốc quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngoài sự kiện Mậu Thân 1968, Quảng Trị những ngày quyết liệt 1972, Sài Gòn 30/4/1975, anh còn có mặt ở biên giới phía Bắc năm 1979 và ở nước bạn Campuchia vui ngày giải phóng để thực hiện bộ phim Nước mắt - nụ cười do anh đạo diễn.

Sau mấy chục năm bôn ba khắp mọi nẻo đường chiến tranh, nếm trải đủ mùi đạn bom khói lửa, giáp mặt với đủ loại kẻ thù phía Bắc, phía Nam, Đặng Xuân Hải càng thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình, của độc lập tự do và sự trắng đen, thật giả trong quan hệ giữa con người, giữa các quốc gia… Đời chiến sĩ đã giúp rèn luyện và hun đúc tâm hồn, bồi đắp tài năng nghệ sĩ. Toàn bộ phim của anh đều là đề tài chiến tranh, là những cuộc đụng đầu máu lửa giữa con người ở hai chiến tuyến quyết loại trừ nhau, một mất một còn, nhưng bao giờ cũng bộc lộ khát vọng hòa bình, tình yêu thương và lòng nhân ái của những người cầm súng, khát vọng bảo vệ quyền sống và những gì tốt đẹp nhất cho con người, cho tình hữu ái giữa các quốc gia, dân tộc…

Bộ phim Nước mắt - nụ cười của đạo diễn Đặng Xuân Hải - giải Bông sen bạc, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ bảy (1985) - đã lưu lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem về những nụ cười trong nước mắt của những người bạn láng giềng Campuchia vừa được bộ đội Việt Nam cứu sống từ tay bọn diệt chủng Pol Pot ngay trên đất nước mình.

Đặc biệt phim Thị xã vẫn yên tĩnh - bộ phim thứ hai của Đặng Xuân Hải được giải Bông sen bạc, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ chín (1990) - là điển hình cách nhìn của anh về chiến tranh.

Ai cũng biết thị xã Lạng Sơn năm 1979 không hề yên tĩnh. Mọi con người và mọi cơ quan thông tấn, báo chí tới đây đều chung một tinh thần: tố cáo sự tàn ác của kẻ thù và cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân thị xã. Nhưng Đặng Xuân Hải lại có cách cảm và cách nhìn của riêng mình: “Thị xã vẫn yên tĩnh!”. Không phải cố làm ra vẻ yên tĩnh để cổ động tinh thần một vùng đất lửa, mà người làm phim, với tình cảm chân thực của mình, thấy lòng dân Lạng Sơn đang yên tĩnh thật. Có là người trong cuộc mới hiểu hết cái mâu thuẫn trong sự thống nhất, cái nghịch lí mà hợp lí này: nơi giông tố nhất lại là nơi bình yên nhất, không có sự bình tâm thì làm sao có thể làm nên giông tố để ngăn chặn giông tố. Thị xã có yên tĩnh mới đủ sức mạnh vật chất, tinh thần để đẩy lùi mưu đồ đen tối của kẻ thù. Đó là tầng sâu của cuộc sống mà người làm phim tài liệu cần phát hiện và khai thác mới có thể tránh được sự nông cạn, sơ sài trong phản ánh hiện thực.

Trưởng thành từ người lính chiến, Đặng Xuân Hải thấu hiểu sự gian khổ, hi sinh lớn lao và phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ. Từ khi còn cầm máy quay xông pha khắp các chiến trường đến khi tốt nghiệp khoa Đạo diễn trường Đại học Sân khấu điện ảnh, anh luôn tìm mọi cơ hội để thể hiện vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà lí tưởng, kì vĩ của người lính Cụ Hồ. Nhất là từ khi làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Điện ảnh Quân đội, trực tiếp chỉ đạo việc sản xuất phim, Đặng Xuân Hải đã có điều kiện để đi sâu thể hiện toàn diện hơn, khái quát hơn hình tượng người chiến sĩ quân đội nhân dân ở loại hình phim truyện. Lần đầu tiên, một phim truyện lớn về một sự kiện lịch sử lớn - phim Hoa ban đỏ về chiến dịch Điện Biên Phủ, do Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp làm đạo diễn, đã được ra đời từ Điện ảnh Quân đội. Sự thành công của bộ phim đến đâu còn phụ thuộc vào tài năng sức vóc của đạo diễn và những người làm phim, nhưng sự quyết tâm của Điện ảnh Quân đội mà trước hết là người trực tiếp chỉ đạo sản xuất phim đã thể hiện tấm lòng và sự tri ân của lực lượng nghệ sĩ quân đội đối với những người đã ngã xuống để làm nên lịch sử vẻ vang cho đất nước.

Cũng như nhiều nghệ sĩ quay phim mặt trận khác của điện ảnh Việt Nam, Đặng Xuân Hải không có nhiều tác phẩm mang tên anh, nhưng hàng vạn mét phim tư liệu anh đã ghi hình ở khắp các mặt trận, các chiến trường là một tài sản vô giá không chỉ cho nền điện ảnh nước nhà mà cho cả lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta     

  Đinh Tiếp
(http://vannghequandoi.com.vn/)