Quá trình phát triển

QUẢNG NAM-ĐÀ NẴNG là mảnh đất có bề dày truyền thống văn học-nghệ thuật rất đáng tự hào. Đây là vùng đất của văn học dân gian quý báu, phát triển rực rỡ, nơi sản sinh và nuôi dưỡng cả một kho tàng các làn điệu dân ca hết sức phong phú. Mảnh đất này cũng là cái nôi của nghệ thuật tuồng độc đáo gắn với tên tuổi của nhà hoạt động sân khấu xuất sắc - cụ Nguyễn Hiển Dĩnh.

QUẢNG NAM-ĐÀ NẴNG là mảnh đất có bề dày truyền thống văn học-nghệ thuật rất đáng tự hào. Đây là vùng đất của văn học dân gian quý báu, phát triển rực rỡ, nơi sản sinh và nuôi dưỡng cả một kho tàng các làn điệu dân ca hết sức phong phú. Mảnh đất này cũng là cái nôi của nghệ thuật tuồng độc đáo gắn với tên tuổi của nhà hoạt động sân khấu xuất sắc - cụ Nguyễn Hiển Dĩnh.

Trước Cách mạng tháng Tám nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp...đã dùng những áng thơ văn của mình để cổ súy cho cách mạng. Bên cạnh đó cũng đã bắt đầu xuất hiện một số cây bút có tiếng như Nam Trân, Xuân Tâm, Phạm Hầu, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Văn Bổng…

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, một số anh em văn nghệ sĩ tham gia cách mạng, sinh hoạt trong Đoàn văn hóa kháng chiến tỉnh Quảng Nam (1946).

Năm 1947, Phân hội Văn nghệ Quảng Nam được thành lập dưới sự chỉ đạo của Chi hội Văn nghệ Liên khu V, do nhà thơ Trinh Đường làm Phân hội trưởng. Nhiều cây bút người Quảng Nam hoạt động ở Khu V hay tại Quảng Nam thường xuyên đi về viết cho Quảng Nam như Hồ Thấu, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long, Lưu Trùng Dương, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Mạnh Hào. Sân khấu tuồng có: Nguyễn Nho Túy, Hoàng Châu Ký, Nguyễn Lai, Tống Phước Phổ, Tư Bửu. Âm nhạc có Phan Huỳnh Điểu...

Một số cây bút trẻ tích lũy cuộc sống kháng chiến, sau này là chủ lực trong sáng tác ở Khu V và Quảng Nam-Đà Nẵng như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, ThuBồn, Ngọc Anh (Văn học), Thuận Yến (Âm nhạc) Nguyễn Văn Thông, Phan Quang Định (Điện ảnh) …

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Nam-Đà Nẵng là một chiến trường hết sức ác liệt. Vượt qua khó khăn, nguy hiểm, phong trào hoạt động văn học nghệ thuật vẫn giữ vững được tuy có lúc thăng trầm, có lúc bị tổn thất nặng nề.

Năm 1967, Phân hội Văn nghệ Quảng Đà được thành lập do Đoàn Xoa làm Phân hội trưởng. Tạp chí Văn nghệ Quảng Đà được xuất bản. Nhiều bài thơ của Vũ Minh, Hoài Hà, Cao Phương, Chí Cao...nhiều ký, truyện ngắn của Trần Văn Anh, Nguyễn Đình An, Đoàn Xoa, Hồ Hải Học, Tân Nhân, Triều Phương…cùng rất nhiều thơ ca, hò vè của quần chúng đã đi vào lòng người, cổ vũ nhân dân trong cuộc kháng chiến.

Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà, Quảng Nam được nhân dân yêu mến. Đoàn đã bám sát tuyến trước, luồn sâu vào vùng địch, biểu diễn phục vụ nhân dân và cả binh lính chế độ Sài Gòn. Trong quá trình phục vụ đã có gần hai mươi cán bộ, diễn viên hy sinh, nhiều người bị thương tật.

Trong hoàn cảnh in ấn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều quyển sách đã được xuất bản, bao gồm truyện, ký, ca dao, hò vè, sách về các gương điển hình tiên tiến trong chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ…Một số vở diễn, đặc biệt là loại hình dân ca Khu V đã dược dàn dựng kịp thời và nghệ thuật không chuyên phát triển mạnh mẽ trong quần chúng ở các địa phương, trong các đơn vị lực lượng vũ trang.

Trong lòng thành phố Đà Nẵng, nhất là trong lực lượng học sinh sinh viên, thơ ca kịch, bài hát yêu nước phát triển khá rầm rộ và thật sự trở thành vũ khí đấu tranh. Nhiều ấn phẩm "bất hợp pháp", "bán hợp pháp" được xuất bản và tấn phát khá rộng rãi , gây được tiếng vang. Một số tác giả thường xuyên xuất hiện trên văn đàn như Đông Trình, Phan Duy Nhân v…v…

Chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng cũng là nơi đón tiếp đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo của Khu V về công tác bao gồm các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, các nghệ sĩ sân khấu, ca sĩ: Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Thế Vinh, Thanh Quế, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông v..v.. Chính họ đã góp phần tích cực dấy lên phong trào hoạt động văn nghệ ở địa phương. Nhiều anh chị em đã dũng cảm hy sinh trên mảnh đất này: Dương Thị Xuân Quý-nhà văn, Chu Cẩm Phong-nhà văn, Nguyễn Trọng Định-nhà văn,Văn Cận-nhạc sĩ, Phương Thảo-diễn viên múa v… v…

Sau ngày giải phóng đất nước, lực lượng hoạt động văn học-nghệ thuật ở Quảng Nam-Đà Nẵng đã lớn mạnh hẳn lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Đó là lớp văn nghệ sĩ đàn anh tập kết ra miền Bắc trở về, anh chị em trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Liên khu V, chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam có mặt tại Đà Nẵng ngay trong ngày giải phóng thành phố 29-3-1975 cùng với những người hoạt động văn học-nghệ thuật ngay trong lòng địch. Đây thực sự là vốn quý đã góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng một nền văn học-nghệ thuật cách mạng trong những năm đầu đầy gian khổ, khó khăn của quê hương.

Để phát huy năng lực tiềm tàng của đội ngũ văn nghệ sĩ-những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-văn nghệ , cần thiết phải hình thành một tổ chức của giới văn nghệ sĩ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để triển khai công việc quan trọng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng và cử đồng chí NGÔ XUÂN HẠ, Ủy viên thường vụ, làm Trưởng ban. Trong buổi lễ ra mắt Ban vận động, đồng chí NGÔ XUÂN HẠ đã phát biểu:

"Nhằm đáp ứng yêu cầu của phong trào văn nghệ của tỉnh trong quá trình phấn đấu thực hiện tốt các Nghị quyết Đại hội đại biểu vừa qua của Đảng và của Đảng bộ Tỉnh, phần nói về văn hóa-văn nghệ, chúng ta đều thấy rằng bên cạnh các cơ quan có trách nhiệm về văn hóa-văn nghệ của Đảng bộ và chính quyền địa phương, rất cần thiết có mặt một đoàn thể của những người làm văn nghệ trong Tỉnh để có thể phát huy cao độ tinh thần làm chủ tập thể của anh chị em đối với sự nghiệp văn học-nghệ thuật nói riêng cũng như đối với toàn bộ sự nghiệp văn hóa nói chung. Về điều này, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã vạch rõ: "Cùng với việc thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động chủ yếu bằng nhà nước, phải thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động bằng các đoàn thể quần chúng. Các đoàn thể có nhiệm vụ chung là bảo đảm cho quần chúng tham gia và kiểm tra công việc của nhà nước, đồng thời là trường học về chủ nghĩa xã hội của quần chúng. Mặt khác, khi nêu cao yêu cầu phải luôn luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ công tác văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng cũng đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải làm cho đường lối của Đảng được thực hiện thông qua phương thức lãnh đạo thích hợp với đặc điểm của các ngành văn hóa, để các ngành đó có thể phát huy cao độ những khả năng sáng tạo trong hoạt động văn hóa”. Chính là thể theo tinh thần cơ bản trên đây của Đảng và thể theo yêu cầu của văn nghệ trong tỉnh mà Nghị quyết của Đại hội đại biểu của Đảng bộ tỉnh ta vừa qua, trong phần nói về văn hóa-văn nghệ, đã ghi nhận sự cần thiết phải "xúc tiến thành lập Hội Văn nghệ Tỉnh”.

 Ngày 28 tháng 9 năm 1977, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã ra Quyết định số 3510/QĐ-UB về việc "Đồng ý thành lập Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng”.

Sau sáu tháng chuẩn bị tích cực, ngày 01 tháng 4 năm 1978 Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Tỉnh đã chính thức khai mạc, đánh dấu bước phát triển mới của văn học-nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng.

Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng gồm 05 phân hội: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu và Hội Kiến trúc sư ( Hội Kiến trúc sư được thành lập vào tháng 7/1977 theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau khi Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành lập, Hội Kiến trúc sư trở thành thành viên của Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng).

Đại hội Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lần thứ II, nhiệm kỳ (1983-1988) được tổ chức vào ngày 06/5/1983.

Đại hội Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lần thứ III, nhiệm kỳ (1988-1993) được tổ chức vào ngày 07/4/1988.

Đại hội Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lần thứ IV, nhiệm kỳ (1993-1998) được tổ chức vào ngày 05/4/1993.

Ngày 01/ 01/1997, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính, thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-TU ngày 04 / 01 /1997 của Ban Thường vụ Thành ủy lâm thời thành phố Đà Nẵng, gồm 08 phân hội: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Sân khấu, Múa và Kiến trúc sư.

Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ V, nhiệm kỳ (1998-2003) - Đại hội đầu tiên của thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - được tổ chức vào ngày 24/3/1998.

Ngày19/6/1998, Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho phép hoạt động theo Quyết định số 3843/QĐ-UB.

Ngày 26/4/2001, được sự cho phép của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 2118/QĐ-UB, Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.

Tháng 4/2001, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng thành lập Phân hội Điện ảnh.

Ngày 24/12/2001, các hội chuyên ngành văn học-nghệ thuật được thành lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng gồm:

1/ Hội Nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 8192/QĐ-UB)

2/ Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 8193/QĐ-UB)

3/ Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 8194/QĐ-UB)

4/ Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 8195/QĐ-UB)

5/ Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 8196/QĐ-UB)

6/ Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 8197/QĐ-UB)

7/ Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 8198/QĐ-UB)

Đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ VI, nhiệm kỳ (2003-2009) được tổ chức vào ngày 31/5/2003.

Ngày 29/9/2006, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đổi tên thành Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 6797/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, gồm 08 hội: Nhà văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Văn nghệ dân gian, Nghệ sĩ sân khấu, Nghệ sĩ múa, Kiến trúc sư và phân hội Điện ảnh.

Ngày 08/ 8 /2007, Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 6216/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Ngày 21/01/2008, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương Lao động hạng Ba " Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2002 đến 2006, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".
 
 Đại hội Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ VII, nhiệm kỳ (2009-2014) được tổ chức vào ngày 10/9/2009.


Đại hội Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ (2014-2019) được tổ chức vào ngày 24/9/2014.

Ngày 09/9/2014, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huân chương Lao động hạng Nhì " Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 đến 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".

Đại hội Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ IX, nhiệm kỳ (2019-2014) được tổ chức vào ngày 9/10/2019.

Ngày 09/10/2019, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng "Huân chương Lao động hạng Nhất " Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018".