Nắng chiều
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Hôm qua vừa cúng, mo nói ma bắt gần hết cái vía khỏe vía khôn của Chu rồi. Chỉ chờ ngày đẹp, mặc áo lanh mới, yên tâm về với ma ông bà bố mẹ thôi. Mí run rẩy. Trời sụp xuống, gió gối đầu lên bậc cửa đổ nỗi đau khắp nhà, nước mắt như máu bầm, vỡ ra, chảy loang đến từng chân tóc, bao hi vọng rụng tả tơi, gió chiều cố sức gom vào góc sân, cạnh cái chum vỡ cóc phưỡn bụng nghiến răng gọi bạn tình, buồn thê thiết.
Chờ lúc lâu, Chu bớt ho Mí lại đỡ Chu nằm xuống. Xong Mí tì mặt vào ô cửa nhỏ ngó ra mênh mang trước mặt. Rừng tiếp rừng. Căn nhà của vợ chồng Mí lọt giữa mênh mang đá và sương. Chếch ngang trời, lẻ loi một mảnh trăng. Đêm tiếp đêm. Mí nằm nghe gió thốc qua nhà, vò nham nhở mái tranh giòn rụm, bụng đau như lưỡi dao cùn cứa qua cứa về trong từng thớ thịt…
Mười lăm tuổi, cuối tuần, biết đeo quẩy tấu địu rượu ngô đi cùng mẹ xuống chợ bán, đêm trước bao giờ Mí cũng mất ngủ. Bởi chợ là chỗ đông đúc, thơm lựng, cái gì đẹp và ngon đều có ở đây. Mí đi chân đất, thấy mình nhỏ thó và lẻ loi. Bán xong rượu, mẹ mua dầu và muối, Mí lang thang nhìn những sợi dây buộc tóc xanh đỏ đủ màu, nhìn những thiếu nữ mặc váy mới, má ngọt như táo chín, nép vào lưng bạn, khúc khích cười khi tiếng khèn vụng về của thằng trai mới lớn réo rắt chạy qua mớ tóc mướt mồ hôi chảy vào tai. Có thằng con trai phiên chợ nào cũng nhìn theo váy Mí, tiếng khèn đuổi theo xuống cuối chợ. Nó tên là Chu, trên Pú Pẩu, nhà nó nhiều ngô, nhiều thảo quả, nhiều cả những đứa gái xinh đẹp muốn nó bắt về làm vợ. Mẹ bảo thế, biết thế, không hỏi. Mí đứng trước dãy quán lợp tranh cũ mèm bằng thời gian nấu sôi nửa ấm nước, bỗng ngượng ngùng nhận ra mình đã nhìn quá lâu cái miệng một đứa gái đang ăn, những sợi phở tím lịm quện vào những mảnh lạc giã rối thơm bùi, béo ngậy; thịt gà trắng phau, xé nhỏ, nằm dưới lớp ớt đỏ cay và vị chua đến chảy nước miếng của chanh. Xấu hổ thế! Mẹ thấy, kéo tay con gái vào, gọi cho nó một bát. Mí khều từng sợi, ăn thật chậm, tự nhiên thích có đứa trẻ nào nhìn mình ăn mà thèm thuồng. Khi trả tiền phở, mới giật mình thấy mẹ chỉ còn vài tờ tiền lẻ.
Hơi rượu ngô làm Mí lảo đảo say, khói ràn rụa cay. Mí đeo quẩy tấu lên vai, địu nắng về nhà, chạy trốn cái nghèo đang nôn nả đuổi ngay sau lưng. Đường về bản nhỏ như sợi chỉ quấn quanh cổ núi, trên những mỏm đá dọc đường, người ta bày la liệt những nỗi đau. Chỗ này ông Sùng uống say ngã ngựa, trên kia chị Phàn ăn lá ngón chết cả hai mẹ con, trên xa nữa có người vợ đi qua dãy núi sang bên kia biên giới đã mười năm không thấy về. Những tảng đá rộng lòng bao dung, ôm nỗi buồn của những con người hàng ngày đi lại, đánh rơi tiếng cười dọc đường, về đến nhà chỉ biết im lặng, bước qua nhọc nhằn.
Hai phiên chợ nữa đi qua. Nhà Chu đến hỏi Mí về làm dâu. Nhà Chu có con dốc lởm chởm đá như tiếng thở dài của đàn bà có thằng chồng nghiện thuốc phiện; có đàn dê đông nhất bản; có bầy lợn mẹ vú quét đất, sáng dẫn đàn con vào rừng tìm cái ăn chiều lại dẫn về; có cả con ngựa trắng dáng to cao, chân thon chắc, ức rộng, mông nở, bờm mượt như tơ.
Mí nhớ đến thằng Chấu. Hai đứa học cùng nhau dưới trường nội trú. Nhà Chấu không nhiều dê, không nhiều ngô. Nhà Chấu vách hở nhìn ra đường. Bố Chấu chết từ lúc nó đứng chưa tới miệng bao ngô. Người lớn nói mẹ nó như ngọn đèn hoang thằng đàn ông nào lỡ đường đi qua cũng ghé vào xin bát nước, ngủ nhờ manh chiếu. Chấu cãi. Mẹ không phải người xấu, nhà có hai mẹ con, gần đường dân đi chợ về, ai vào xin nước mẹ cũng cho, ai say rượu mẹ trải chiếu giữa nhà cho ngủ, tỉnh thì về. Bếp nhà Chấu đủ đắp cái lò đun bằng đất, đặt chảo cám lợn, cạnh chõ mèn mén là con chó ghẻ chúi đầu vào bao lõi ngô ngủ cả ngày. Chấu học giỏi. Nó bảo muốn làm công an phạt mấy người hay nói không đúng về mẹ con nó. Có lần Chấu nói với mấy đứa:
“Con Mí là của tao, tao nhận từ bây giờ, đứa nào thích nó tao đánh đứa ấy. Lớn lên làm được nhiều tiền tao sẽ lấy nó, tao không muốn nó khổ.”
Mấy đứa cười loãng cả cơn gió heo heo cuối hè. Mí im lặng, má đỏ lên, chạy xuống gần bờ suối, không ngồi cạnh bếp mà mặt nóng rát, đỏ cả hai tai.
Cả nhà ai cũng muốn Mí lấy Chu, dù biết Chu hơn Mí tận mười tuổi. Mí không ưng cái bụng cũng không được. Bố nhận rượu ngô, nhận thuốc lào, nhận cả hai lạy của thằng rể với một túi vải đựng bạc trắng. Những mái nhà cũ kĩ say khướt trong sương mất rồi. Còn bụng Mí buồn như sợi chỉ mới phải thêu vào gấu váy rách. Người lớn còn nói thêm rằng Mí lấy thằng Chấu rồi phiên chợ nào cũng phải xuống chợ bán rượu ngô như mẹ, cái lưng nhanh còng xuống vì phải gùi đất bỏ hốc đá để trồng ngô. Mí không lấy thằng chồng giàu là không biết thương bố mẹ. Lấy chồng giàu bố mẹ được nhờ, không còn khổ nữa, sẽ sống lâu hơn.
Mí nghĩ hay là người lớn nói đúng? Học nhiều cũng chỉ để cái ăn về nhiều, lấy chồng có nhiều ngô, nhiều dê, nhiều lợn, thừa cái ăn thì cần gì phải học nữa?
Đêm vỡ theo tiếng ho bằn bặt của Chu, cảm giác từng thớ phổi rách ra, rỉ máu. Tiếng mèo chà xát trên mỏm đá cao nhất. Trên ấy có gì? Mí tự hỏi Chu có bao giờ ước một ngày đặt chân lên ấy không?
Đến sáng, Mí lui cui giặt quần áo bên ang nước xỉn màu ngay đầu nhà, mấy thân tre đã sắp mục. Đồ sẵn xôi cho chồng xong Mí địu sương đi làm. Đến khi tiếng muôi gỗ khua rời rạc trong chõ cơm nếp là trời đã xế trưa, Mí đi nương về, lúc ấy Chu mới trở dậy một lúc, bước ra ngoài gội mái tóc bù xù trong khoảng nắng từ lỗ hổng bên mái hiên hắt xuống.
Tóc nhiều sợi bạc. Cái đau về nhanh quá. Cả đêm Chu không ngủ được. Bác sĩ nói Mí đừng mời mo nữa, bệnh nặng rồi, biết muộn quá, bác sĩ không chữa được. Chu thích ăn gì thì Mí cho ăn đi. Kệ. Mí cứ mời thầy mo, cúng mãi, cái đau không chịu rời đi, bám mãi trong người, trong cả suy nghĩ của Chu. Mí ước mỗi hòn đá trước nhà sẽ biến thành một phép màu làm Chu hết đau. Biết ước thế thôi, không thành sự thật được. Mí đổi ngô lấy gạo nếp đồ xôi cho chồng ăn, nhưng mỗi lần miệng Chu trệu trạo vừa nhai vừa nuốt khó nhọc như giận dỗi. Mí im lặng nhìn bát xôi nguội lạnh như người mắc lỗi. Khoảng trống trong chõ xôi ngày càng hẹp lại, gian bếp chỉ đủ một người một chó nhìn nhau, lúc nào cũng u u tối. Mí ngang qua vờ như không nghe Chu hỏi xin một cốc rượu. Bác sĩ dặn rồi, không được uống rượu, Chu biết mà vẫn không nghe. Mí phải giấu rượu đi, nhưng đêm đêm hơi men vẫn bốc lên ngun ngún làm say cả những vầng khói gầy xơ xác. Định nhắc lại lời bác sĩ nhưng nhìn mặt chồng, bụng Mí như có miếng ớt xát vào vết xước chà đi chà lại, chà đến lúc nước bò ra hai bên má lạnh ngắt.
Chiều muộn, địu những mảnh nắng cuối ngày về đến nhà, Mí chưa vội bước qua sân vì nghe tiếng người lạ. Nhìn ngược trong vệt sáng xiên qua vách Mí nhận ra Chấu. Nó đến nhà Mí làm gì? Vợ nó chết đã mấy năm, nó không lấy vợ mới, nó làm cán bộ xã, nó học cao, ăn lương trên bàn giấy, tự nhiên đến đây làm gì? Những cơn lạnh đến rồi đi đôi khi không phải mùa đông hay vì gió. Ánh mắt Chấu nhìn Mí đến khi câu hỏi bật ra từ cái mặt vẫn cúi gằm từ lúc vào nhà:
“Mày... À... cán bộ đến nhà tao có việc gì không?”
Chu nhìn Mí ôn tồn:
“Mí à, đừng hỏi như với người lạ bên kia núi thế! Thằng Chấu cùng bản mình, cũng như anh em thôi.”
Chấu nắm bàn tay như cành củi khô của Chu, nhìn ngọn lửa đang nhì nhèo cháy đáp:
“Tôi mang cho anh Chu một ít thuốc, uống vào sẽ đỡ đau.”
Mí vờ quay đi chạm mắt vào lửa, Mí thấy bóng Chấu trên nương đang đốt những gốc ngô thơm mùi mật, thấy con bê mũi phập phồng dính phấn hoa, thấy con chó lấm lem lăng xăng chạy, thấy cả ánh mắt cách gần hai mươi năm trước hiền hòa như nắng. Thấy bụng mình cồn lên cái thương, gói bao nhiêu năm vẫn thừa ra một khúc.
Đến lúc trăng chếch bên kia núi thì Chấu chào vợ chồng Mí để về. Chu nắm tay Chấu mà lắc lắc, Mí ngồi im mặt vẫn cúi xuống, muốn nói một lời cảm ơn mà miệng như đang ngậm một nắm đá răm.
Chấu về rồi, Chu đã ngủ, có lẽ những viên thuốc của Chấu làm Chu ngủ ngon hơn. Mí ngồi ngoài cửa nghe gió, nghe đá thầm thì, nghe mùi hương thời con gái liếm lên thềm loang lổ ánh trăng suông. Lòng chật chội muốn bung vách. Gió thổi bề nào cũng xót. Mí đi lạc vào giấc mơ. Giấc mơ những buổi học về cùng Chấu muốn lả đi vì đói, đứng dưới chân con dốc mà ước mỗi viên đá biến thành một viên đường ngọt lịm. Giấc mơ bị ánh mắt Chấu cất sâu giấu kín nơi đáy mắt:
“Mình cùng cố gắng học, cô giáo bảo rồi, chỉ có học mới đuổi được cái nghèo ra khỏi cửa, khi có tiền nhiều tôi nói bố mẹ tìm ông mối sang nhà hỏi Mí về làm vợ.”
“Lấy nhau rồi tôi cũng muốn ở đây.”
“Ừ! Mình làm nhà mới, mình trồng ngô, trồng hoa, nuôi cả gà. Làm ao thả cá nữa. Mí dạy học sinh ở bản, tôi cũng làm ở xã mình thôi.”
“Làm gì có nước mà ao?”
“Có chứ! Đào sâu xuống sẽ có nước đấy!”
“Thế không nấu rượu à?”
“Không! Tôi không thích nấu rượu, bố tôi chết vì rượu đấy!”
“Ừ, không nấu rượu. Thế Chấu làm gì?”
“Tôi làm nhiều tiền dành cho con học cao. Mí đẹp như trăng ấy. Tôi đi làm xa Mí đừng nghe khèn thằng trai lạ nhé!”
“Lúc Chấu không có nhà, tôi đóng cửa thôi, chả nghe chả thấy gì.”
“Sau này làm vợ chồng mình cũng gọi nhau là anh em, giống cô giáo vẫn hay gọi chồng nhé!”
Tiếng ho của Chu thốc ngang ý nghĩ rúm ró. Trăng vỡ ra, sóng sánh trong mắt người đàn bà mặc váy cũ đẫm mùi sương đêm. Chờ Chu thở đều đều, Mí ngồi nhìn chồng một lúc. Trâu bò ở cùng nhau lâu thì quý, người ở cùng nhau lâu thì ghét, Mí đã ở cùng Chu số năm đủ bốn bàn tay. Ông trời không cho đứa con nào, Chu bảo tại Chu. Mí khóc, Mí vẫn thương Chu như nước mùa mưa thương dòng suối cạn, giận đấy rồi vẫn quay về.
Chỉ tiếc nỗi nhà buồn theo thẻo. Chu đau đến phờ phạc, đã lâu lắm vợ chồng không cùng nhau. Mí nín thở nghe tiếng cựa mình của Chu. Tiếng dế ri rỉ chảy qua vách rơi xuống đất lạnh căm. Con thằn lằn rơi xuống từ mái nhà, nện cái lưng gầy gò xuống đất, may mà con mèo đi chơi chưa về. Chắc thằng chồng nó vừa nói ngọt: “Vợ nằm ngửa ra đi!” Mí bật cười, mang niềm vui ấy giấu trong đêm thăm thẳm...
*
* *
Chấu có mặt ở nhà Mí ngày một nhiều hơn. Mỗi lần về Mí len lén đứng dưới cầu thang nhìn Chấu bón từng thìa cháo cho Chu, kể chuyện ông Phình đầu xóm bị ung thư giai đoạn cuối bệnh viện trả về rồi. Tưởng không sống được bao lâu, thế mà nhờ ăn uống điều độ và tinh thần phấn chấn ông sống đến năm năm rồi. Hay như bà Thàng. Các con đều lấy chồng lấy vợ xa, bà ở nhà một mình, bà chăm tập thể dục, lúc khỏe còn tham gia hoạt động của bản nữa. Giờ gặp, bà nói bà không muốn phiền các con mà vẫn sống khỏe. Chấu cứ khẽ khàng buộc Chu vào những ngày đều có nắng ấm áp như vậy. Còn với Mí đêm trôi qua nhanh hơn, những vết rách đang rỉ máu trong lòng được hai người đàn ông vá víu dù đường kim mũi chỉ còn vụng về…
Nhưng những ngày nắng thế chẳng kéo dài. Chiều muộn nay Mí đi làm về, thấy cháo vãi tung tóe khắp nhà. Chu ngồi bệt cạnh bếp lửa leo lét. Nhìn thấy vợ, nụ cười bị nỗi đau siết lại, méo mó và khô khốc như đá va vào nhau, râu lởm chởm, ánh mắt mệt mỏi:
“Đêm qua tôi thấy bố mẹ về đón tôi đi. Đi cùng họ tôi không còn đau nữa.”
Chu nhìn ra cửa, mắt lạnh như tiếng cú rúc ngoài rừng mả lúc nửa đêm. Thất vọng ùa về bẻ gãy ánh mắt ướt mèm của Mí. Mí muốn ôm lấy chồng, hút hết những đớn đau đang đầy ăm ắp trong Chu tới khi đôi môi tím tái đỏ lên và hai má ran ran nóng.
“Tại tôi mà vợ không có được một đứa con. Sao vợ cứ mặc váy cũ thế? Tôi muốn nhìn vợ mặc váy mới, xuống chợ phiên, thấy vợ cười, như thế tôi sẽ bớt đau...”
Tai Mí ù đi, chân giẫm trên đất mà hồn lạc vào rừng mênh mông không có lối ra. Hạt ngô vừa tra chưa kịp cựa mình nhú mầm, sao không có cách nào giữ Chu lại? Câu hỏi như mảnh nứa nhọn xoáy sâu vào lồng ngực, máu dồn tím lịm trên môi chồng, cào vào mắt Mí loang lổ vết đau.
*
* *
Giờ Chu không còn sợ hãi khi mỗi đêm nằm nghe tiếng chó hú dài ngoài rừng mả, không còn đập phá mỗi khi cơn đau giày vò, từ khi thấy Mí gấp cái khăn lau miệng mình có dính máu giấu vào cạp váy, từ khi thấy tiếng khóc cố nén lại của Mí rơi xuống nền bếp tối hun hút, khi Mí nói dối bị mất bộ xà tích mẹ tặng hôm cưới. Chu biết hết. Chu đau đớn, cố quẫy đạp cho bớt ngộp thở dưới khúc sông chính tay mình be bờ đắp nước.
Đêm nối tiếp đêm. Gió đuổi nhau trên mái nhà. Người đàn ông rảnh tay muốn thắt một cọng thương yêu thật mềm, xích lại, âu yếm ôm lấy vợ. Mí thơm như nắng, như gió, như cỏ, như mật, Mí chịu khổ vì Chu nhiều quá! Một giọt ấm nóng rơi vào gáy người đàn bà đang hừng hực như bếp than đượm lửa:
“Ngủ rồi à?”
Chu ngập ngừng.
Mí định quay mặt lại nhưng vẫn nằm im.
“Ừ, ngủ rồi, lại đau à?”
“Tôi có chuyện muốn nói.”
“Chuyện gì? Để mai nói, ngủ thôi, con gà rừng gáy canh hai, con gà nhà gáy canh ba rồi.”
“Thằng Chấu ấy, nó thương Mí, cũng như tôi thương Mí, vợ nó chết lâu rồi, nó là người tốt, người tốt đấy Mí à...”
Mí bỗng thấy một mùi cũ kĩ ùa về, vịn hờ hững giữa hai vợ chồng. Mí dậy, nhóm lửa, khói vỡ mịn trên mái nhà mốc rêu, lặng se sắt. Chu thấy mắt vợ buồn như vạt cỏ…
Mí không còn khó chịu khi mỗi chiều cuối tuần Chấu thường có mặt bên Chu. Bón từng miếng cháo, dỗ dành Chu uống từng viên thuốc, xé nhỏ miếng thịt để Chu dễ ăn hơn. Chấu mang đến một bàn cờ, kiên nhẫn đợi cái nhíu mày thật lâu của Chu để đi nước tiếp theo. Những chiều ấy Mí thường đợi sương duỗi mình ngủ say trên đá mới về nhà. Đến đầu sân, Mí dừng lại, thở thật sâu, xòe đôi tay, nhìn thật lâu. Ừ. Đôi tay này không ngại làm việc nhà, việc trên nương, việc chung của bản, sao lại bất lực khi không thể xoa dịu cơn đau của chồng? Trăng cao quá, trong như nước mắt...
“Tôi biết, ông cũng thương Mí. Mai tôi về với bố mẹ tôi trước, tôi nhờ ông chăm sóc Mí. Mí dễ thôi, không khó tính đâu, chỉ cần đủ yêu thương là Mí sẽ vui. Hứa với tôi được không? Việc dễ mà, tôi không muốn Mí hàng ngày, hàng tháng, hàng năm già đi cùng đá. Mí không đáng bị như thế đâu Chấu à...”
“Không, Mí thương anh nhiều lắm, anh cố gắng ăn uống điều độ bệnh nhanh khỏe thôi.”
Nắng chiều tưới đẫm con đường đá mờ mờ. Chu từ tốn nuốt từng thìa cháo ngọt Chấu đang cần mẫn bón. Gian nhà im lặng, hai người đàn ông nghe rõ tiếng thở của nhau, lửa nhấp nhổm liếm loang đoạn củi khô…
*
* *
Chu gầy lắm rồi, không chịu ăn nữa, cơn đau giằng xé cơ thể yếu ớt, mỏng như sương. Mí sợ hãi đếm từng ngày đi qua, phía mặt trời lặn là đau, phía mặt trời mọc là nhức nhối, là sợ hãi là hoang mang.
Một tuần Chu không dậy được nữa, bảo cổ họng lúc nào cũng như có quả cọ gai. Bàn tay nắm tay Mí lỏng dần, thõng xuống bất lực…
Khi ba tiếng súng kíp bắn lên trời là lúc Mí quỵ xuống.
Gió rít lên khăn khắt. Mí vùi tóc vào cơ thể lạnh lẽo chằng chịt xương, hấp tấp tìm hơi thở của Chu trốn đâu đó, trong tay, trong mái tóc rụng gần hết hay trong đôi mắt đã khép chặt. Tay Mí men theo từng thớ thịt da đang dần tái đi. Mí nghe một sợi dây đứt phựt trong lồng ngực. Đau quá!
Mí bón cơm cho Chu ăn trong ba ngày xác Chu được treo lên giữa nhà. Mí mặc cho chồng áo mới.
Chiều ngày hôm sau. Thêm một cái áo mới được mặc. Ai cũng ngơ ngác, xì xầm bàn tán:
“Thằng trai này giống bố nó quá!”
“Ờ! Phải giống chứ!”
“Thôi cũng mừng cho con vợ Chu.”
“Mừng chứ! Người tốt thế phải có con chăm lúc yếu cái chân, mờ con mắt.”
Mí cũng thấy thằng trai ấy giống Chu thật. Nó quỳ xuống chân người già, quỳ cạnh xác Chu, quỳ dưới chân Mí. Xin được gọi Mí là mẹ. Ngọn lửa cạnh người chết lẩy bẩy cháy, thoi thóp đỏ ánh mắt nhìn ngang, ở đó có cái lạnh của gió, lạnh của đá, lạnh của giận hờn. Nhưng cái lạnh đó lại ủ ấm lòng Mí. Vậy là Mí cũng có con, vậy là người không đẻ được là Mí chứ không phải do chồng. Chu đã thương Mí dù Mí như con bò đực không biết đẻ. Giờ lại có một đứa con trai, có cả con dâu và cháu nội đang quỳ xuống trước mặt Mí. Mí ngậm ngụm rượu con trai mời cho đến khi lưỡi bỏng rát mới nuốt.
Mười hai ngày Mí mời mo làm ma tươi cho chồng. Chấu cũng đến. Xong việc, Chấu ngồi với Sểnh, con trai của Chu. Lúc ấy Mí mới biết. Chu lấy vợ, có con từ năm mười tám tuổi. Vợ Chu chết trong trận lũ khi con trai đứng cao bằng con dao phát. Bà ngoại đón cháu về nuôi, không cho Chu thăm con. Bà nói con gái bà chết vì lấy Chu. Bà ngoại chết, cháu chưa kịp lấy vợ. Trước khi chết bà dặn cháu đi tìm bố để nhận họ. Bà nhận sai, bà xin lỗi con rể.
Chấu nói Sểnh đưa vợ con về ở với Mí đi. Con trai gật đầu. Mí vui như nắng sớm.
*
* *
Có con có cháu, Mí cười nhiều hơn. Con dâu bán giày bán ô chợ phiên, chồng nó được Chấu xin cho làm bảo vệ trường học.
Sau hai năm Mí làm lễ ùa plì(1)cho chồng ra đi được thanh thản.
Tròn ba năm Mí và các con làm lễ nhù đăng(2), lễ cúng cuối cùng cho Chu. Lễ nào Chấu cũng có mặt. Con dâu con trai gọi Chấu bằng bố. Đứa cháu trai quấn quýt bà nội cả ngày.
Vợ chồng Sểnh muốn Chấu về ở cùng một nhà với mẹ. Thằng cháu đi học, bà ở nhà một mình buồn lắm. Mí cười, hàm răng đều như ngô nếp đầu vụ.
“Già rồi, ngượng lắm, đi về nhìn thấy nhau là vui cái bụng rồi!”
“Mí cho tôi một tuần được sang đây một ngày, chơi với cháu, ăn cơm với Mí, với con trai, con dâu.”
Mí cúi mặt, mắt long lanh cười như một lời hứa.
(vannghequandoi.vn)
--------
1,2. Theo phong tục Mông, sau đám tang một năm gia đình sẽ tổ chức lễ “ùa plì” để hồn ra đi thanh thản; sau vài năm thì tổ chức lễ “nhù đăng” (lễ mổ trâu) là lễ cúng cuối cùng dành cho người chết.