Lòng yêu không thỏa
Không chỉ là một tên tuổi sáng chói trong văn học, Wells còn là một người đàn ông nổi tiếng đa tình. Với ông, tình yêu cũng là một phần quan trọng không kém gì văn học trong kiếp nhân sinh bé tí này.
Theo những tài liệu còn để lại, mối tình đầu (nếu không kể chuyện phải lòng thuần tuý lãng mạn với cô con gái của một mục sư) của Wells là người em họ Isabell. Năm 1891, nhà văn tương lai đã làm lễ thành hôn với Isabell trong một nhà thờ ở London.
Theo luật pháp của nước Anh thời đó, anh chị em họ không phải là những người họ hàng gần gũi nên có thể yêu nhau và kết duyên chồng vợ. Tuy nhiên, những mối quan hệ huyết thống đã không giúp được cho cuộc hôn nhân đầu tiên của Wells bền vững. Isabell không muốn có con.
Bản thân nhà văn tương lai cũng chưa muốn có hậu duệ vì lúc đó còn chưa có công việc mang lại thu nhập đủ để duy trì một gia đình theo đúng nghĩa của nó. Và thế là sau những đam mê thanh xuân đắm đuối nhưng "bạo phát, bạo tàn", cả hai người đều cảm thấy buồn chán khi ở bên nhau và họ đã li dị nhau sau chưa đầy hai năm làm chồng vợ.
Tới đầu năm 1893, Wells, khi đó đang là giảng viên tại một trường đại học hàm thụ đã nhìn thấy trong đám sinh viên của mình một cô gái rất xinh đẹp. Đó là Amy Catherine Robbins, còn gọi là Jane.
Tình yêu như sét đánh đã làm trái tim của nhà văn tương lai bùng bùng nổi lửa và tới tháng 10/1895, hai người đã làm lễ cưới. Jane đã sinh cho Wells hai đứa con trai hợp pháp: George Philip (1901-1985) và Frank Richard (1903-1984).
Cũng trong thời điểm này, chân trời văn học đã hé sáng với Wells. Sau hàng chục bài báo và truyện ngắn "nhọc mình mà chẳng nên công cán gì", tháng 6/1895, cuốn tiểu thuyết đầu tay "Máy thời gian" của Wells đã được xuất bản và tạo ra dư luận rất tốt.
Khoản nhuận bút hậu hĩnh cộng với những lời mời cộng tác từ phía các nhà xuất bản lớn (với số tiền ứng trước cũng kha khá) đã giúp cho Wells và gia đình sống trong những điều kiện sung túc.
Và trong đầu nhà văn đã chín dần những ý tưởng hay và lạ về các tác phẩm tương lai như "Hòn đảo của Tiến sĩ Moreau", "Người tàng hình", "Chiến tranh giữa các thế giới", "Những người đầu tiên trên mặt trăng", "Khi người ngủ thức giấc", "Thức ăn của các vị thần"… Những tác phẩm này được viết ra trong giai đoạn từ 1895 tới 1904 và tạo nên sự bất tử cho tên tuổi của Wells…
Lẽ ra cuộc hôn nhân đó đã có thể tồn tại lâu bền vì Jane là một người phụ nữ có nhiều phẩm chất để làm một người vợ hiền. Wells cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Nhà văn khi đó đã rất thích chơi với hai đứa con trai, dạy dỗ chúng theo cách riêng của mình…
Tuy nhiên, tâm tính phức tạp và nhiều mộng tưởng của Wells đã khiến cho nhà văn mới vào nghề viết này trở nên nguội lạnh với vợ sau khi đứa con trai thứ hai chào đời. Vốn bản tính cũng không chay tịnh gì, Wells đã có những mối quan hệ ngoài hôn nhân khá rối rắm và phiền toái.
Thoạt tiên, nhà đồng sáng lập thể loại khoa học viễn tưởng này đã tán tỉnh nữ văn sĩ trẻ trung và xinh đẹp Violet Hunt (1866-1942), một gương mặt quen thuộc của giới thượng lưu nghệ sĩ London thời đó.
Tuy nhiên, cuộc tình cho không biếu không giữa hai người chẳng kéo dài được lâu vì nhà báo Ford Madox Ford đã mau chóng lôi kéo Violet Hunt về làm ở tạp chí của mình và đồng thời cũng chiếm đoạt luôn trái tim "ở đâu âu đó" của cô.
Không kịp thất vọng vì bị phụ tình, Wells đã bị một người bạn học hồi nhỏ của Jane là Dorothy Richardson quyến rũ (hoặc giả, chính nhà văn quyến rũ người đẹp này).
Cuộc tình này bắt đầu từ một động cơ rất lành mạnh của Dorothy: vì thấy gia đình của bạn mình không thuận vợ thuận chồng nên Dorothy muốn giúp hai người làm lành với nhau. Thế nhưng, rốt cuộc là Dorothy lại bị rơi vào cái bẫy của thần tình yêu…
Vốn là một trí thức có khuynh hướng tư duy thiên tả, Wells ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ XIX đã tích cực tham gia vào các phong trào mang tính xã hội dân chủ. Năm 1884 tại London đã hình thành Hội Xã hội chủ nghĩa Fabian, một dạng câu lạc bộ tập trung những người Anh khá giả muốn phát triển những dự án phúc lợi chung theo hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại các cuộc họp của Hội Fabian, Wells đã làm quen với một thiếu nữ còn rất ít tuổi tên là Amber Reeves. Cô là con gái của một nhà hoạt động tích cực của phong trào mang tính xã hội chủ nghĩa này, ông William Pember Reeves
Mặc dù còn rất non tơ, kém Wells tới gần hai chục tuổi, nhưng Amber đã phải lòng nhà văn rất sâu đậm và rút ngắn khoảng cách từ các cuộc đàm đạo tới những việc gần gụi nhau hơn. Và cái gì phải đến đã đến: năm 1909, Amber đã thông báo cho Wells tin cô sắp sửa sinh ra cho nhà văn thêm một đứa trẻ nữa.
Bối rối, Wells muốn rời bỏ thành London cùng người yêu nhưng rồi chỉ đủ lòng can đảm đưa cô sang Paris tá túc, còn bản thân lại quay về cùng tổ ấm gia đình. Cô con gái lọt lòng ở nơi đất khách quê người Anna - Jane mãi tới năm 1932 mới biết ai thực sự là cha ruột của mình.
Trong giai đoạn đó, Wells khá sung sức trong công việc viết văn và cũng không kém phần mãnh liệt trong những đam mê đối với phụ nữ. Trong lòng vẫn còn yêu Amber nhưng Wells đã đồng thời phải lòng một cô gái trẻ trung xinh đẹp khác cũng là con gái một nhân vật trong Hội Fabian. Tuy nhiên, do dư luận xã hội không mấy đồng tình với mối quan hệ lệch tuổi đó nên Wells đành "bỏ của chạy lấy người"…
Mọi trò giăng hoa của nhà văn danh tiếng đều không lọt khỏi tầm mắt của vợ ông. Thế nhưng, Jane đích thực là một hiền thê theo đúng nghĩa phương Đông nhất của từ này. Bà lặng lẽ quan sát và… tha thứ cho chồng vì quá biết bản tính như núi lửa sục sôi trong tình cảm trai gái của Wells. Mỗi khi gặp những ý trung nhân ngoài giá thú của Wells, Jane đều biết cách trò chuyện một cách tự nhiên và tử tế…
Nết, đánh chết không chừa, Wells càng khoẻ sáng tác càng hay phải lòng phụ nữ. Quan hệ của ông với nữ văn sĩ Australia, Elizabeth von Armin, vợ của một nhà quý tộc Đức, đã bắt đầu từ những trang thư. Họ đã có quan hệ với nhau trong suốt ba năm nhưng rồi chính Wells đã chủ động cắt đứt mối quan hệ tội lỗi này khi Elizabeth bắt đầu ghen ngược với vợ ông…
Mỹ nhân tiếp theo trong "danh sách Don Juan" của Wells là một thiếu nữ 20 tuổi, Rebecca West. Nàng lần đầu tiên được nhìn thấy người tình trong mộng của mình vào năm 1913. Ngay trong năm sau (1914), Rebecca đã sinh ra cho Wells cậu con trai tên là Anthony.
Tuy nhiên, sau sự kiện này, Rebecca vẫn không nguôi tham vọng muốn cưới Wells làm chồng dù đã biết rõ tính trăng hoa của nhà văn. Tuy nhiên, Wells quả thực là một tình nhân lão luyện: ông luôn biết cách tránh những cái bẫy mà phụ nữ đã khéo léo giăng ra để ông phải làm chồng họ.
Cuối cùng Rebecca đã cam chịu thất bại và bỏ cuộc, để mặc Wells tìm kiếm những niềm đam mê mới có thể đốt thêm ngọn lửa sáng tạo cho ông.
Năm 1924, Wells đã quan hệ với một thiếu nữ Hà Lan tên là Odette Keun. Cuộc tình này về sau đã khiến Wells thất vọng ê chề. Kém tình nhân tới 22 tuổi, Keun đã chẳng làm được gì khiến Wells vui ngoài việc luôn gây sự với xung quanh và trắng trợn tìm cách nhờ ông gây dựng sự nghiệp văn học cho riêng mình…
Mùa thu năm 1920, Wells sang nước Nga Xôviết để gặp lãnh tụ Lenin ở Moskva. Khi trở về Petrograd, tại căn hộ của văn hào Nga Maxim Gorki, Wells đã gặp lại một thiếu phụ tên là Maria Zakrievskaia.
Trước đó, từ năm 1914, ông đã một lần gặp chị nhưng rồi quên bẵng đi. Bây giờ tái ngộ, Wells ngay lập tức cảm thấy lửa tình bốc cháy. Zakrievskaia đã xử sự rất anh minh - chị nửa đêm đã tới nơi Wells tá túc và ở lại đến sáng… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một cuộc tình hạnh phúc nhưng ngắn ngủi…
Những năm cuối đời, Wells được sưởi ấm bởi tình yêu với Moura Bulberg. Năm 1936, nhà văn đã ở tuổi xưa nay hiếm. Moura lúc nào cũng ở bên cạnh nhà văn già nua và cô độc. Chị đã bảo vệ Wells thoát khởi sự quấy nhiễu của những kẻ vô công rồi nghề và đám phóng viên rách việc.
Trước câu hỏi sỗ sàng và tàn nhẫn của một nữ nhà báo độc mồm độc miệng, làm sao có thể yêu một ông cụ thấp bé, già nua, đồng bóng như Wells, Moura đã đáp: "Thế chị có biết thân thể ông ấy thơm như mật không?". Hay chuyện này, Wells đã bật cười như nắc nẻ, đến mức phải uống thuốc an thần…
Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Wells cảm thấy cực kỳ khó ở. Lúc tâm hồn tỉnh táo, ông đã tự viết cho mình trăng trối: "Tôi đã cảnh báo các vị rồi - các vị thực đáng nguyền rủa".
Ngày 13/8/1946, Wells qua đời. Trong di chúc của mình, ông không làm bạn bè hay người tình cũ nào của mình phải phiền lòng. Ông rộng rãi tặng cho họ mọi thứ mà ông đã làm nên. Ngay cả người thiếu phụ Nga Zakrievskaya, người tình qua thoáng, ông cũng để lại cho món tiền trị giá 100 nghìn USD
Huỳnh Trà My
Nguồn: cand.com.vn