Họa sĩ Lê Thiết Cương: Ghép… và sự giải thoát tuyệt đối
10.01.2014
Năm 2013 là một năm bận rộn và thành công của Cương. Mà hình như Cương là một trong số ít ỏi các hoạ sỹ đương đại nổi danh ở Việt Nam liên tục có những hoạt động nghệ thuật đặc sắc, gây được tiếng vang trong những năm mà nghệ thuật hội hoạ nói riêng và văn hoá nghệ thuật nói chung mang một sắc màu khá trầm lặng.
Nối tiếp những bận rộn và thành công của những năm trước, năm 2013, Cương lại tạo nên những dấu ấn đặc biệt mang tên Lê Thiết Cương với bề dày những thành công trong lao động sáng tạo cống hiến cho đời sống văn hoá nghệ thuật. Với người đàn ông có gương mặt lạnh, phảng phất nét buồn kiêu bạc này, thì lao động sáng tạo mới chính là mạch nguồn nuôi sống anh. Nếu một ngày thiếu công việc, đầu óc buông nghỉ thì đó là lúc Cương như kẻ đâu đó… bên ngoài lề đời.
Thật may, chừng ấy năm quen biết anh, tôi chưa từng thấy Cương trong cảm giác này. Ngay cả khi sống có mệt mỏi, có éo le thì Cương cũng vẫn thản nhiên đi đến cái đích công việc, mà chẳng mấy bận tâm xung quanh đang vật đổi sao dời đến cỡ nào. Trong cái không gian công việc ấy, Cương như được giải thoát tuyệt đối. Nối tiếp những bận rộn và thành công của những năm trước, năm 2013, Cương lại tạo nên những dấu ấn đặc biệt mang tên Lê Thiết Cương với bề dày những thành công trong lao động sáng tạo cống hiến cho đời sống văn hoá nghệ thuật. Với người đàn ông có gương mặt lạnh, phảng phất nét buồn kiêu bạc này, thì lao động sáng tạo mới chính là mạch nguồn nuôi sống anh. Nếu một ngày thiếu công việc, đầu óc buông nghỉ thì đó là lúc Cương như kẻ đâu đó… bên ngoài lề đời.
Con số 13
Mở đầu năm 2013, Cương gây bùng nổ bởi một triển lãm cá tính mang đầy ắp tâm sự của con số 13. 13 bức tranh đẹp mà hoạ sỹ Trịnh Tú đã gọi tên triển lãm ấy là “Sự bùng nổ một im lặng mới”. Với 13 bức tranh có lời đề từ cho mỗi bức là những câu thơ Cương lựa chọn kỹ càng từ mấy chục năm đọc thơ của một kẻ yêu thơ và chơi thơ khắt khe như anh, đã làm nên một rung động đẹp đẽ cho người thưởng thức bởi sự kết hợp giữa thơ và hoạ. Trong một khuôn khổ 50x150, tỉ lệ 1/3, một thứ tỷ lệ không cơ bản, như để thách thức mà cũng là đùa cợt với con số 13. Cương đã để người hoạ sỹ trong anh có thể tận cùng với sự dồn nén xúc cảm của mình ở những bức tranh có bố cục 6 dọc, 7 ngang chật hẹp lạ mắt ấy. Khai mạc vào ngày 13, năm 2013 và 13 bức tranh tuyệt đẹp khai mở cho một năm mới nhiều dự định, nhiều kế hoạch và những khát vọng. 13 bức tranh của Cương là 13 câu chuyện riêng tư anh đã bộc bạch.
Cương là thế, thủy chung tuyệt đối với phong cách tối giản nhưng ở triển lãm nào, anh cũng tìm ra được một hình thức thể hiện độc đáo, một sự khác lạ, mới mẻ của ngôn ngữ, đường nét và màu sắc trên cái nền tảng tối giản ấy. Sự phô bày hay nói đúng hơn là trình diễn nghệ thuật của Cương luôn đặc sắc, luôn tìm tòi và hướng tới cái mới. Cương là người không mấy khi chịu giẫm lại lên cái bóng của mình, dù cái mà anh đã tạo ra trước đó có mang lại thành công cho anh đến đâu.
Kết thúc năm 2013 nhiều hoạt động dày dặc của anh lại là một triển lãm cuối cùng của năm với 13 tác phẩm (11 tranh và 2 tượng) độc đáo. Triển lãm Ghép của Cương cùng với hoạ sỹ Hoàng Thị Phương Liên diễn ra ở Gallery 39A Lý Quốc Sư cũng là nơi anh sinh sống cùng gia đình trong những ngày tháng 12 này. Đây là lần đầu tiên Cương sử dụng nghệ thuật gốm mosaic kết hợp với sơn mài truyền thống để tạo nên những bức tranh ghép đẹp đến lạ lùng. Vẻ đẹp từ những mảnh vỡ, những lát cắt, những xé và ghép mang lại cho người xem xúc cảm mạnh, và sự rung động sâu sắc.
Để có được những bức ghép hoàn hảo từ gốm, Cương phải đi đi về về các lò gốm Bát Tràng. Cương cầu kỳ, cầu toàn, khó tính trong nghệ thuật, và là người tôn sùng cái đẹp hoàn hảo đến từng milimet. Thế nên mỗi một triển lãm, mỗi một hoạt động văn hoá nghệ thuật, Cương cũng đầu tư tâm trí, công sức cho công việc. Mà công việc nào đến tay Cương, trong tay Cương cũng đến nơi đến chốn, hoàn hảo cho dù phải tốn kém thời gian, tiền bạc và sức lực đến đâu. Cương là người trân trọng nghệ thuật, tôn sùng thẩm mỹ. Nhưng cầu toàn, tỉ mỉ, khắt khe đến vậy mục đích cuối cùng là để dâng cho đời, cho người những tác phẩm nghệ thuật mãn nhãn mọi người khi đến thưởng thức.
Tác phẩm "Mùa xuân vùng cao" |
Lần đầu tiên, hội họa Việt Nam có một triển lãm chuyên về tranh xé giấy. Và cũng là lần đầu tiên họ có một triển lãm tranh gốm mosaic. Lần đầu tiên người yêu hội họa Việt được thưởng thức một triển lãm kết hợp tranh xé giấy và tranh gốm mosaic.
Thành công của Cương
Cương là một họa sỹ hoạt động tự do trên 20 năm nay. Cái tên Lê Thiết Cương trở thành một ấn tượng mới trong làng hội họa Việt Nam từ triển lãm Đồng dao năm 1991. Một triển lãm cá nhân đầu tiên đã để lại dấu ấn về một phong cách tối giản độc lạ. Từ bấy đến nay, trung thành với một phong cách, Cương đã thành công với những triển lãm cá nhân trong và ngoài nước. Đó là triển lãm Hòa Bình ở Nhật Bản, Gặp mình ở Thái Lan, Cận cảnh Việt Nam ở Singapore, Đối thoại không lời ở Mỹ, Việt Nam ngày nay ở Thụy Sỹ...
Địa chỉ 39A Lý Quốc Sư, nơi gia đình Cương hiện đang sinh sống là một địa chỉ đỏ cho các hoạt động nghệ thuật hội họa. Nơi đây, gallery phi lợi nhuận của Cương nổi tiếng bởi là nơi Cương đỡ đầu giới thiệu và trực tiếp tổ chức triển lãm tranh miễn phí cho các họa sỹ trẻ mới vào nghề. Trong những năm gần đây, có hơn 20 họa sỹ trẻ đã đến với độc giả yêu hội họa qua những triển lãm tác phẩm của mình. Ngoài hoạt động hội họa cá nhân, Cương là một cái tên uy tín với vai trò Giám tuyển cho một số hoạt động nghệ thuật khác. Đó là tổ chức đêm thơ Bến lạ của cố thi sỹ Đặng Đình Hưng tại Trung tâm Văn hóa Pháp vào tháng 4. Tổ chức triển lãm Gốm men ngọc của nghệ sỹ Nguyễn Việt vào tháng 9. Giám tuyển nghệ thuật cho triển lãm Chuỗi nghệ thuật Davines Art Series tháng 10 tại hệ thống siêu thị Hà Nội. Làm giám khảo và tổ chức các cuộc triển lãm ảnh. Thiết kế sân khấu như đêm nhạc Tùng Dương hát tình ca, Bay cùng Vili trong đêm thơ của Vi Thùy Linh. Cương còn là một họa sỹ được các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học uy tín tìm đến để thiết kế bìa, vẽ minh họa, làm design cho các cuốn sách, hay các triển lãm nghệ thuật của họ. Trong đó phải kể đến những cái tên nổi tiếng như Kevin Bowen, Du Tử Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Hữu Ước, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quân, Nguyễn Quang Thiều…
Không chỉ có tài ở lĩnh vực sáng tác hội hoạ, đồ hoạ, thiết kế, Cương còn là một tay viết văn hoá tài hoa và cực chất trên các tờ báo uy tín hiện nay. Mấy năm gần đây Cương viết đều đặn, xuất hiện thường xuyên trên các tờ Tuổi trẻ, Tia sáng, Sài Gòn Tiếp thị, Lao động ở chuyên mục tản văn, tạp bút chuyên về văn hoá nghệ thuật. Cũng vẫn là phong cách ngắn gọn, kiệm lời, tiết chế tối đa tầng cảm xúc của mình, ngôn ngữ của Cương nhiều khi thản nhiên, sắc, có chút lạnh của người viết nhưng vẫn chứa đẫm cái tình của Cương trong đó để người đọc thấm thía đến tận gan ruột về những thông điệp mà Cương chuyển tải. Viết với Cương cũng chính là một mảnh ghép nghệ thuật trong con người Cương để giúp Cương đi tới sự giải thoát tuyệt đối. Những gì Cương làm được đã đủ cho một cái tên Lê Thiết Cương không lẫn vào ai, không khuất lấp trong đời. Nhưng sau tất tần tật những thứ Cương biết, Cương làm và Cương giỏi thì tôi vẫn thấy có một Đạo để Cương đắm mình vào đó tu luyện mỗi ngày, thiền mỗi ngày, đắc đạo mỗi ngày. Đó chính là hội họa.
Trở lại với triển lãm Ghép và khép lại một năm 2013 nhiều thành công, Cương đã trải lòng về nghệ thuật Ghép của anh và họa sỹ Hoàng Thị Phương Liên thế này:
“Xé tờ giấy to ra thành nhiều miếng nhỏ rồi dán lại. Suy cho cùng đều là mosaic cả, đều là Ghép thôi.
Mosaic là cắt mình ra, xé mình ra để ghép lại, làm mới lại, nói lại, hát lại, vui lại, buồn lại, ghét lại, yêu lại.
Mỗi chúng tôi đã là một mảnh ghép, ghép thêm lần nữa để thành Ghép này. Đó cũng là tuỳ duyên mà ghép. Lẽ thường khi hiểu mọi sự được mất, lành vỡ, ở đời đều là ở chữ Ghép. Lẽ thường khi hiểu còn duyên thì ghép, hết duyên thì thôi. Lẽ thường khi đã hiểu tất thảy đều là “Ngũ uẩn giai không” cả thì sẽ hiểu được vô thường, vô ngã, vô tình, vô tâm… Ấy vậy mà lại khó sang bên bờ bên ấy vô cùng. Nhưng dù có ghép chặt đến đâu chăng nữa thì cũng chả nên chấp vào ghép mà làm gì”
N.B.
Nguồn: cand.com.vn
Có thể bạn quan tâm
Văn chương tiếp cận gia đình như một đơn vị văn hóaNhà văn, cái đọc và cái viếtĐể đời với một tác phẩmĐược mùa xuất bản truyện trinh thámTự sự học đa phương tiện và văn hóa đại chúng đương thời: Trường hợp Việt NamNgười đàn bà chơi dao sắcNhà văn Sơn Tùng: Một con người trí mệnh!Nữ nhi anh hùng trong tiểu thuyết lịch sửNghệ sĩ Đặng Xuân Hải một đời làm phim về người línhVăn học viết về chiến tranh và người lính: Hướng đi nào cho thực tiễn sáng tạo?