Đời nón- đời người
Tôi biết Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh từ rất lâu, và cũng được xem khá nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của anh. Vốn không am hiểu mấy về nghệ thuật nhiếp ảnh, nên xem ảnh của anh, tôi cũng chỉ giới hạn ở sự cảm nhận là bức ảnh đó rất đẹp, nhưng vì sao nó đẹp, tính nghệ thuật của nó ở đâu thì chịu.
Rồi một buổi chiều xuân mênh mang, trong một quán cà-phê, tôi may mắn được xem bộ ảnh, gồm hơn 70 tác phẩm, mang chủ đề “Đời nón - đời người” mà anh dự định đưa ra triển lãm nhân kỷ niệm ngày 8-3 và ngày giải phóng Đà Nẵng năm nay. Bộ ảnh khiến tôi xúc động, nó không chỉ rất đẹp, rất phong phú mà còn làm lay động trái tim người xem. Và tôi, không dám “múa rìu qua mắt thợ” mà bình luận, phân tích, đánh giá ảnh nghệ thuật của anh, chỉ muốn bày tỏ cảm xúc của mình trước những khoảnh khắc đẹp đẽ, xao xuyến trong bộ sưu tập của NSNA Ông Văn Sinh.
Nón theo người lam lũ... Ảnh: Ông Văn Sinh
Bộ sưu tập “Đời nón – đời người” là tình cảm sâu đậm mà tác giả nâng niu dành cho chiếc nón lá - biểu tượng của Việt Nam trong suốt mấy chục năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Bởi hơn ai hết anh hiểu nghệ thuật nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần là ghi lại một khoảnh khắc, một hình ảnh đẹp, mà đó là sự thể hiện bằng nghệ thuật những cảm xúc trong khoảnh khắc của người nghệ sĩ.
Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, nghệ thuật nhiếp ảnh giúp ta giữ lại những cảm xúc chân thật, ngập tràn hạnh phúc, NSNA Ông Văn Sinh đã làm được điều ấy trong bộ sưu tập “Đời nón – đời người” của mình. Anh ghi lại những hình ảnh đẹp nhất, xúc động nhất, đời nhất, và cũng chân thật nhất về chiếc nón lá, tuy giản dị, nhưng đã trở thành hiện thân của cuộc sống, của cái đẹp, của sự tảo tần người phụ nữ Việt Nam. Dĩ nhiên, trong bộ sưu tập của anh đời nón không chỉ gắn riêng với người phụ nữ, nó còn theo người đàn ông ra đồng, xuống biển, lên non... song hình ảnh người phụ nữ và chiếc nón vẫn là tư tưởng chủ đạo.
Hơn 70 tác phẩm nhiếp ảnh về những chiếc nón lá, lắng đọng cảm xúc trong mọi khoảnh khắc, ở mọi khía cạnh cuộc sống. Đó là những chiếc nón lá mang ý nghĩa trong nghệ thuật sắp đặt. Những chiếc nón lá xếp lớp lớp, hàng hàng trắng ngần, tinh khôi giữa muôn hồng, nghìn tía của mùa lễ hội, trên sân khấu nghệ thuật đương đại, sân khấu thời trang, phim truyện và trong cả nghệ thuật tuồng cổ..
Chiếc nón tạo thêm vẻ duyên dáng của thiếu nữ và hoa. Ảnh: Ông Văn Sinh
Chiếc nón cũng mang những phong cách vùng miền, ví như ở phương bắc, NSNA Ông Văn Sinh gửi đến cho người xem nét đẹp của chiếc nón ba tằm, nón quai thao trong ngày hội, dùng dằng câu hát “người ơi người ở đừng về”, nón làm duyên trên vai áo, nón e ấp che nụ cười, giấu hàng nước mắt tiễn đưa... Còn ở phương Nam chiếc nón đẹp đến nao lòng theo chân các nữ sinh thướt tha áo dài nhẹ gót qua những nhịp cầu tre mỏng mảnh. Nón lá chấp chới theo những bà, những mẹ ở những phiên chợ nổi vùng sông nước. Ở đâu đó giữa mùa sen nở, mùa cúc vàng rực, bóng những cô gái xinh tươi, chao nghiêng vầng nón, quyến rũ lạ thường...
Đâu chỉ có vậy, “đời nón” của NSNA Ông Văn Sinh còn mang dáng vẻ “trầm luân”, ướt thẫm mồ hôi trên đầu người phụ nữ tảo tần với chiếc gánh trên vai trĩu nặng; đó còn là những vệt sáng liêu xiêu giữa cồn cát mênh mông. Nón đôi khi trở thành gàu múc nước, là “ghế” ngồi, là chiếc quạt xua đi cơn nóng giữa trưa hè cho những người lao động nghèo... Điều đặc biệt, “chiếc nón” của NSNA Ông Văn Sinh còn thể hiện một cách sinh động tính cách và nội tâm của nhân vật, cái duyên người thiếu nữ; nón lá còn tôn lên vẻ rạng ngời hạnh phúc trong nụ cười móm mém của mẹ... Và dẫu, chiếc nón ấy đang ở trên sân khấu, hay giữa đời thường, đều được anh dành hết tâm tư để thể hiện. Chính vì vậy, chiếc nón qua cái nhìn sáng tạo, độc đáo của anh có một sức sống rất mãnh liệt, diệu kỳ.
NSNA Ông Văn Sinh sáng tác rất nhiều, đi rất nhiều nơi, lăn lộn với nghề suốt mấy chục năm, rất nhiều tác phẩm của anh đoạt được giải và được giới nghệ thuật đánh giá rất cao, nhưng anh rất ít tổ chức triển lãm riêng. Cách đây, 21 năm triển lãm ảnh đầu tiên của anh mang tên “Xương rồng”, cũng là bộ ảnh mang tính chuyên đề, đi sâu về đề tài xương rồng, gây ấn tượng sâu đậm cho người xem. Triển lãm “Đời nón- đời người” là lần triển lãm thứ hai của anh muốn dành tặng cho phái đẹp món quà ý nghĩa nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng là món quà dâng tặng nhân kỷ niệm ngày Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Tâm huyết, tấm lòng và sức sáng tạo của NSNA Ông Văn Sinh thật đáng trân trọng xiết bao..
Hoài Hương
Nguồn: http://cadn.com.vn