Đàn bà đơn thân
Gặp lại Hồ Thị Hải Âu, cái tên một thời ghi dấu ấn trên văn đàn với những truyện ngắn ấn tượng như Hoa vông vang, Cúc quỳ, Gánh xương trâu, Người bán thuốc dạo, Những phiên bản của đời… Chị vẫn thế, một người đàn bà cởi mở, thân thiện đến nỗi nhiều người vẫn lầm tưởng chị dễ dãi. Nhưng tôi biết rằng, ẩn bên trong là chị một chặng đời đầy giông bão của một người đàn bà đơn thân.
Khi tôi có ý định viết về chị, chị cười bảo rằng, những cuộc đời cuốn hút và thú vị khi kể lại là những cuộc đời mà không ai muốn trải qua. Nhưng khi đã trải qua rồi thì người ta không muốn đánh đổi bằng bất cứ cuộc đời nào…
Nhiều người nói rằng, đàn bà làm văn chương, dù ít dù nhiều, dù sớm dù muộn, cũng sẽ gặp phải những trắc trở trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Hồ Thị Hải Âu không nằm ngoài quy luật ấy. Nghe vậy, chị trầm ngâm: “Lev Tolstoy đã nói một câu: Bạn phải định nghĩa được thế nào là hạnh phúc thì bạn mới cảm nhận được hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là kết quả khi về đích, hạnh phúc là cảm nhận vui vẻ trên từng chặng hành trình. Tôi đã từng viết rằng: “Trái khổ đau ngày chín cũng dậy hương/ Ta vẫn thế dại khờ như thế/ Vẫn dạt dào trước sóng đời dâu bể/ Hạt từ tâm hứng gió tự mười phương…”
Như là định mệnh, Hồ Thị Hải Âu bảo rằng, chị mang nỗi cô đơn từ những ngày thơ bé, với trái tim mong manh, dễ rung cảm. Bởi vậy, không lạ khi chị tìm đến văn chương để trang trải nỗi lòng. Chị bảo: “Không biết bạn có tin tôi không, nhưng tôi tôn thờ văn chương bởi nó như một “con thuyền rỗng”, cho phép tôi chuyên chở những suy tưởng, những trăn trở và cả những buồn vui mà cuộc đời va đập vào tôi, ánh xạ vào tôi, khiến trái tim tôi lay động buồn vui, rỉ máu hay thổn thức, dàn mọi cảm xúc lên mặt giấy rồi không ngoái lại nữa. Tôi không cầu danh và lợi từ văn chương, nên nếu không có sự chân thành xúc động tôi sẽ không viết”.
Có lẽ nhiều người vẫn nhớ những truyện ngắn từng được giải thưởng của Hồ Thị Hải Âu trong những năm 89 – 90 như Những phiên bản của đời (Giải thưởng tạp chí Văn nghệ quân đội), truyện ngắn Hoa vông vang (giải tác phẩm tuổi xanh), Thiên Hương và Và nơi đây bình minh yên tĩnh (Giải những truyện ngắn hay viết về Hà Nội), những truyện ngắn đầy day dứt chị viết về tầng lớp trí thức ở đô thị lớn trong giai đoạn chuyển đổi, điển hình là truyện ngắn Cúc quỳ, viết về một thiếu phụ đi từ tỉnh lẻ ra thành phố, một nơi phồn hoa đô thị, chị kết hôn với một người chồng là trí thức và cuộc hôn nhân ấy ban đầu cũng trải qua những lung linh, lãng mạn nhưng dần dần đã bộc lộ những khác biệt và mâu thuẫn xảy ra với đầy những bon chen của cuộc sống thành phố. Chính điều đó đã dẫn đến bi kịch nội tâm, họ trở thành hai ốc đảo trong chính vẻ ngoài hạnh phúc giả tạo. Cuộc li hôn của họ đã không diễn ra, nhưng cuộc sống tiếp diễn thì vô cùng ngột ngạt.
Hồ Thị Hải Âu đã chứng kiến nhiều cảnh tượng ấy và theo cảm nhận của tôi, Cúc quỳ thấp thoáng hình bóng cuộc đời chị trong đó, nhưng khác nhân vật của mình, chị đã can đảm vượt qua những trở ngại về định kiến và tâm lý để có những quyết định riêng mình: đơn phương rời bỏ người chồng mà chị từng rất mực yêu thương, trở thành một người đàn bà đơn thân sống và nuôi con một mình ròng rã suốt 18 năm qua.
Hồ Thị Hải Âu và con gái Lã Hồ Minh Khuê. |
Chị bảo, kể từ ngày chia tay tuổi thanh xuân, trở thành vợ, thành mẹ rồi thành người mẹ đơn thân, thực ra tôi cứ sống thôi, chẳng để ý điều gì đã đến, đã đi. Cũng có khi, thấy mình dường như chìm nghỉm giữa biển người, biển phận nhân gian, thoáng buồn… rồi lại mỉm cười vì nhận biết, cứ bé nhỏ khiêm nhường lại dễ tràn đầy và bớt những tổn thương hơn. Tôi thực sự chỉ là một người đàn bà chậm chạp, hơi ngốc dại. Tôi đã từng yêu chồng mình đến nỗi, đôi khi tôi nghĩ anh ấy không thể cảm nhận và chia sẻ được hết niềm xác tín trong tôi bởi tôi coi tình yêu là một tôn giáo của riêng mình. Nhưng rồi vì nhiều lý do, vì nhiều tổn thương, vì tôi quá nhạy cảm, quá tự trọng, khi chồng tôi có thể cũng đã quá yêu tôi, đã có những nỗi ám ảnh về một người thứ ba vô hình và cuộc hôn nhân ấy, sau rất nhiều tháng ngày nặng nề trôi qua, đã phải chấm dứt vì tôi không thể thường xuyên chịu đựng bạo lực tâm lý và thể xác bởi sự hoang tưởng của anh ấy.
Cuộc hôn nhân tan vỡ, Hồ Thị Hải Âu lặng lẽ nuôi con một mình và thực sự phải đối mặt với rất nhiều biến cố trong cuộc sống. Những người đàn ông đến rồi đi, tìm được một tấm chân tình trong đời quả thực như hư ảo đối với người đàn bà vốn mạnh mẽ và tự lập như chị. Thực ra, nếu được sống đúng trong một quy luật thường ngày, thì dường như người đàn bà vẫn mong muốn tìm thấy nơi an trú cho tâm hồn mình hơn và chắc chắn một điều rằng không ai muốn đơn thân cả. Có ai đó từng nói rằng, thế giới chỉ là một, điều khác nhau là chúng ta nhìn nó theo những cách khác nhau mà thôi! Rồi chị xót xa: “Nhiều người nhìn tôi trong cảnh người mẹ đơn thân nuôi con với một vẻ ái ngại, thương cảm pha chút tội nghiệp, có người cười không nói gì, có người nhìn chăm chú ra chiều cảnh giác… nhưng tôi thấy mình chẳng có gì khác biệt so với những người đàn bà khác, có chăng tôi làm việc chăm chỉ hơn và có kế hoạch hơn. Bản tính tôi trông vậy nhưng khá nhút nhát, thích làm việc thầm lặng, thích đọc sách và cũng là người biết chấp nhận mọi thứ thuộc về mình nên không thấy quá chật vật để bước đi trong cuộc sống, như cách các cụ xưa vẫn hay nói “Chòng chành như nón không quai/ Như thuyền không lái, như ai không chồng…”.
Dù tôi biết có không ít lần nghe loáng thoáng ai đó nhận xét về mình như là một mối nguy cơ vì là đàn bà đơn thân, tôi không thanh minh, chỉ tránh xuất hiện ở những nơi vui chơi, cứ im lặng để sống, vậy mà rồi cũng mười mấy năm trôi qua. Nói ra thì có người không tin, có người cười, chứ tôi là người có nhiều suy nghĩ bảo thủ về tình yêu (đôi lứa), nên có vẻ như tôi hơi lạc lõng với nhiều quan niệm mới mẻ cởi mở hơn của thời đại. Có nhiều người tò mò muốn biết hiện tại tôi đang yêu ai hay dùng theo lối dân dã là tôi đang cặp với ai? Nhưng thú thật là tôi không cùng ai cụ thể trong nhiều năm nay vì tôi vẫn rất ngô nghê khi tin rằng “Đến một ngày sẽ có chàng Hoàng tử tìm được nàng công chúa ngủ trong rừng và đánh thức nàng dậy…” cho dù bấy giờ người đẹp đã già rồi…”.
Nói đến điều này, Hồ Thị Hải Âu cười vang như thể mọi nỗi ưu phiền đã tan hết thảy, nhưng tôi biết rằng, trái tim chị nhiều khi se lại bởi nhiều nỗi muộn phiền, nhiều đêm đơn lẻ, trống vắng dù chị một mực ví von rằng, chị rất yêu hình tượng trái tim có mặt trời, dù đã có lúc sai lầm nhưng trái tim có mặt trời là khi trái tim sáng suốt và tỉnh thức để quyết định, dù ko biết tương lai trước mặt đi về đâu, không có một ai đó là bàn tay vững chãi, bờ vai tin cậy để có thể đảm bảo cho chị có một tương lai. Tôi biết chị vẫn âm thầm khóc tủi trong những đêm đông lạnh giá, những bước ngoặt cuộc đời, trước những quyết định khó khăn và hay những khi tâm hồn trống rỗng, hoàn toàn không có một chỗ cho trái tim trú ẩn. Người đàn bà viết văn và đầy tổn thương như chị cũng như nhiều người phụ nữ khác, khát vọng tìm tổ ấm để chia sẻ, để yêu thương và nâng niu nhưng nó như một nỗi hoài vọng. Chị bảo, chị tâm huyết với một triết lý của nhà Phật, đó là hãy sống tràn đầy nhưng tùy duyên. Và hạnh phúc đôi khi càng đi tìm càng vô vọng. Chị tâm đắc với câu chuyện của Đức Phật khi ngài hỏi chuyện học trò của mình, rằng đường đến niết bàn bắt đầu từ đâu thì đã có nhiều học trò xuất sắc đã trả lời bằng nhiều cách cao siêu, huyền bí nhưng người lái đò đứng cạnh đó nghe câu chuyện đã nói: Theo tôi, muốn đi đâu, cho dù đến niết bàn cũng phải bắt đầu từ dưới chân mình. Và Hải Âu đã bắt đầu con đường kiếm tìm hạnh phúc ở ngay ở dưới chân mình để biết rằng, những hoài vọng ấy sẽ có lúc chị tìm đến được.
May mắn lớn nhất là Hồ Thị Hải Âu có sự nhạy bén về thời cuộc nên cũng có những quyết định hợp lý và thức thời trong những dự án để có thể kiếm sống, bởi vậy, sau bao nhiêu năm tích cóp, chị có một căn nhà đẹp, ấm cúng và bình an. Chị, người đàn bà đơn thân đầy nội lực đã làm tất cả để dành cho con gái một cuộc sống đủ đầy dù cuộc sống đơn thân không dễ dàng. Chị bảo trong những ngày gian khổ nhất chị đã phân thân bởi nhiều chức phận: khi thì là nhà văn, nhà báo, khi là nhà đầu tư, nhưng bao trùm lên tất cả, chị có một thiên chức làm mẹ mãnh liệt và dường như tất cả mọi nỗ lực trong cuộc đời này, chị dành hết cho con.
Cô con gái Lã Hồ Minh Khuê của chị vừa được nhận một học bổng lớn tại trường Đại học Harvard danh giá là nguồn cảm hứng sống của chị trong suốt 18 năm qua. Đó là một cô bé thú vị, đầy tài năng trong hội họa, âm nhạc, toán học… Chị bảo, như là định mệnh vì ngay khi mang bầu con, chị đã đọc được một cuốn sách của trường Harvard có câu nói rằng: “Giáo dục là lần khai sinh thứ hai của mỗi cá thể. Chúng ta cung cấp những bộ môn giáo dục thể chất và trí tuệ để cho mỗi cá thể phát triển tốt nhất chứ không phải vì có tố chất mới được học” điều đấy đã là một cuộc cách mạng trong tư duy và suy nghĩ của chị về việc dạy con như thế nào. Và đến năm 1998, khi đọc được cuốn Em phải đến Harvard học kinh tế của Lưu Vệ Hoa, chị đã quyết định cùng con trải nghiệm điều này và cho đến hôm nay, những điều đó đã trở thành hiện thực với hai mẹ con chị.
Con gái sẽ có một cuộc sống mới, chị sẽ lại tiếp tục một mình trong ngôi nhà cao rộng và trống trải. Nhiều người ái ngại cho chị, chị bảo, có một bộ phim của Mỹ nói về một đứa trẻ đã nuôi một con chim nhỏ tên gọi là “Tình yêu” bị rơi khỏi tổ, rất yếu ớt. Cậu bé đã thay con chim mẹ chăm sóc, sưởi ấm cho nó hàng ngày. Rồi con chim khỏe mạnh trở lại, lớn lên, mọc lông cánh và cậu bé đã cặm cụi làm một cái lồng để nuôi thì người mẹ của cậu nhìn thấy và đã nói với con rằng: Con ạ, nếu là một tình yêu thực sự vĩ đại, thực sự tràn đầy, thì con phải nhớ rằng, một ngày nào đó con phải dũng cảm để cho “Tình yêu” của mình bay đi vì được bay lên bầu trời là hạnh phúc của nó, cho dù con rất đau khổ. Rồi sau này, mẹ cũng sẽ dành cho con một tình yêu như thế.
Sau tất cả những sóng gió, những lặng im, những thăng trầm của đời sống, Hồ Thị Hải Âu vẫn là một người phụ nữ đầy nội lực nhưng cũng đầy nỗi buồn tủi vì những thành bại đã đi qua trong cuộc đời, khi đối diện với những niềm vui nỗi buồn, những ký ức đã qua. Trong câu chuyện, có khi chị cười thật to, có khi chị rơi nước mắt và có lúc, tôi biết chị nuốt nước mắt vào trong. Đến khi tự vấn về mình, chị đùa rằng, chị như một con dê núi trong hành trình cuộc đời, nó dạo chơi thong thả trên vách núi, có thể cảm nhận được vẻ đẹp bao la, hùng vĩ của thiên nhiên, nhưng chính trong sự cảm nhận vĩ đại ấy, cảm giác thường trực bên trong luôn là nhỏ bé và cô độc.Trần Hoàng Thiên Kim
Nguồn: cand.com.vn