Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng những năm đầu thành lập nước

31.08.2021
Minh Toàn
Kỷ niệm 76 năm Quốc Khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng  những năm đầu thành lập nước

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu.

Huỳnh Thúc Kháng (Huỳnh Hanh) sinh ngày 1-10-1876 tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (trước đây là làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình). Năm 1900 Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 1904 lại đỗ đầu kỳ thi Hội nhưng Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà cùng các sĩ phu yêu nước đương thời khởi xướng Phong trào Duy Tân, đấu tranh đòi chính quyền Pháp thực hiện những cải cách nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thực dân Pháp đã đàn áp dữ dội Phong trào Duy Tân, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt và bị đày ra Côn Đảo từ năm 1908 đến năm 1921. Sau khi được trả tự do, Huỳnh Thúc Kháng lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước.

*

Vào cuối năm 1945, sau hai lần nhận được điện mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Huế đã ra Thủ đô Hà Nội. Gặp nhau, hai người đều ứa nước mắt. Bác Hồ nói: “Việc mời Cụ ra nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ là ý kiến chung của tất cả anh em các đảng phái, chứ không phải ý kiến riêng của tôi, vì Cụ ở lại trong nước, Cụ biết rõ trình độ tiến bộ của đồng bào ba kỳ, đồng thời đồng bào ba kỳ đều tín nhiệm Cụ”.

Cụ Huỳnh nói: “Tôi ra đây là cốt gặp Cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.

Sau nhiều lần trao đổi, cuối cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội vào ngày 02 tháng 3 năm 1946, khi giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày: “Bộ Nội vụ - một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng”.

Sau đó cụ Huỳnh lại được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt).

Sáng ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp. Sân bay Gia Lâm hôm ấy đông nghịt người ra tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người.

Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh nói:

- Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu. Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có lúc cụ Huỳnh Thúc Kháng cảm thấy cô đơn, chán nản. Từ sau khi được gặp và hiểu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng vui mừng vì được gặp người bạn già tri kỷ là Hồ Chí Minh. Cụ đã nói với một người bạn: “Dân ta có Cụ Hồ quả là hồng phúc”. Trong bài “Thất thập tự thọ”, cụ Huỳnh viết:

Bảy tuần đầu bạc như bông

Gặp người tri kỷ thôi xong đã già”.

Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, cụ Huỳnh đã có bài thơ ca ngợi Người:

Tung hoành bể Sở với non Ngô

Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ

Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt

Nước non gây dựng nổi cơ đồ

Sen kia chẳng ngại hôi bùn lấm

Tùng nọ bao phen ngọn gió xô

Khắp cả ba kỳ đều tín nhiệm

Rộn ràng muôn miệng tiếng hoan hô”.

Trước ngày cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp bùng nổ, ngày 3 tháng 11 năm 1946, báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cụ Huỳnh, vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà lưu Cụ, Cụ cũng gắng ở lại”.

 

Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài đen đứng giữa) cùng Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (người mặc áo dài đen bên phải) và Hội trưởng Tổng hội Cứu tế Việt Nam Ngô Tử Hạ (người mặc áo dài đen bên trái) về thăm và làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Yên (8/1946)

Sau đó, Cụ Huỳnh được Bác cử đi kinh lý miền Trung và miền Nam Trung Bộ với danh nghĩa đại diện Chính phủ Trung ương. Cuối năm 1946, khi về thăm quê hương Tiên Phước, cụ Huỳnh tâm tình với bà con: “Tôi đã vào loại sáng nhưng cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ có những người giúp việc thông minh lắm, giỏi lắm, tin tưởng lắm...”.

 Đầu tháng 4 năm 1947, trong một buổi nói chuyện tại Quảng Nam với các thân hào nhân sĩ, có người lên tiếng hỏi cụ Huỳnh:

- Tôi thuở nay nghe biết tên nhiều nhà cách mạng hoạt động ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Nhưng chưa từng nghe tiếng ông Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh là ai?.

Cụ Huỳnh trả lời:

- Ông Hồ Chí Minh là con ông Phó bảng Sắc ở Nghệ An, suýt soát lớp ông và tôi. Ông Hồ hoạt động chính trị ở nhiều nước Âu, Á, Phi và hoạt động bí mật, tất nhiên là thay tên đổi họ luôn để tránh mạng lưới mật thám quốc tế. Nhưng cái tên làm chấn động thế giới là Nguyễn Ái Quốc. Chắc ông biết, nhiều người biết”.

Cụ Huỳnh nhận xét: “Sự hiểu biết của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới nữa. Nước này tương lai sẽ đi về đâu? Nước kia rồi đây sẽ thế nào? Ông nói rất rành rọt, mạch lạc, nghe không chán”.

Bác Hồ đối với cụ Huỳnh như đối với người thân. Nhiều chi tiết nhỏ trong mối quan hệ giữa Bác và Cụ đã nói lên điều này. Có một chai tương Nam Đàn do bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái của Bác) đem ra làm quà, Bác cũng mời cụ Huỳnh đến dùng cơm để cùng thưởng thức hương vị quê hương xứ Nghệ. Lại có lần nhân dân Thái Bình gửi biếu hai chai mắm tôm đặc sản, Bác cũng viết thư gửi biếu Cụ một chai. Cả trong trò chuyện thường ngày giữa hai người cũng hóm hỉnh thân tình. Có một lần vào năm 1946, gặp Bác, cụ Huỳnh ứng tác hai câu thơ “nhắc nhở”:

“Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già

Cụ ông thấy đấy, Cụ bà không?”.

Lúc ấy Bác chỉ cười, nhưng rồi trong thời gian sang Pháp, bên cạnh những bức điện văn gửi về hỏi tình hình và thăm cụ Huỳnh, Bác còn có riêng một bài thơ gửi cụ:

“Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời

Nhớ ơn Cụ lắm cụ Huỳnh ơi

Non sông một mối chung nhau gánh

Độc lập xong rồi cưới vợ thôi”.

Tháng 4 năm 1947, cụ Huỳnh bị ốm nặng. Từ Quảng Ngãi, trên giường bệnh, ngày 14 tháng 4 năm 1947, Cụ Huỳnh đọc cho người thư ký riêng của mình ghi bức thư gửi Hồ Chủ tịch:

Kính gửi Hồ Chủ tịch,

Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả.

Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc.

Chào vĩnh quyết”.

Rất thương tiếc và đau buồn, ngày 29 tháng 4 năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi toàn thể đồng bào cả nước:

Hỡi đồng bào yêu quý,

Vị chiến sĩ lão tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân vừa tạ thế.

Trước sự đau xót đó, Chính phủ ta đã ra lệnh làm Quốc tang.

Nhân dịp này, tôi có vài lời báo cáo cùng đồng bào: Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo, mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng ,nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

Đến ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập, Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã hơn 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”.

Nay chẳng may cụ Huỳnh sớm tạ thế, trước khi được thấy kháng chiến thành công. Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của Cụ vẫn luôn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta.

Hỡi đồng bào yêu quý,

Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc Cụ bằng cách: càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến, bằng cách: theo gương dũng cảm, nối chí quật cường của Cụ; bằng cách: hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà Cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng:

Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của Cụ.

Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ.

Tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh sống mãi.

Việt Nam thống nhất và độc lập muôn năm!

Ngày 3 tháng 5 năm 1947, nói chuyện với phóng viên các báo đi thăm mặt trận, khi nhắc đến Huỳnh Bộ trưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cụ Huỳnh là một nhà cách mạng rất kiên quyết, trung thành. Cụ mất là một điều thiệt thòi lớn cho dân tộc, cho Tổ quốc ta. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có hàng vạn hàng ức đồng bào theo gương dũng cảm vì nước vì dân của cụ Huỳnh”.

Nhân ngày giỗ đầu của cụ Huỳnh, ngày 21 tháng 4 năm 1948, Bác có điện thăm hỏi gia đình cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng:

Gửi gia đình Huỳnh Bộ trưởng,

Nhân ngày giỗ đầu cố Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Cụ và xin gửi gia đình Cụ lời chào thân ái và quyết thắng”.

Trong một bài viết về “Sự gặp gỡ của hai tư tưởng, nhân cách lớn - Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Chí Minh”, TS Nguyễn Xuân Trung có nhận định: “Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Chí Minh, tuy khác nhau về tuổi tác, con đường và cách thức cứu nước, nhưng đều có học vấn và hiểu biết uyên bác, có khí chất và nhân cách lớn của những nhà lãnh đạo, nhà yêu nước chân chính... Chính những điểm tương đồng đó đã tạo ra sự giao thoa, gặp gỡ của hai tư tưởng, hai nhân cách lớn, để lại những dấu ấn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam”.

                                                  Theo PHẠM HỒNG VIỆT, NGUYỄN XUÂN TRUNG