Albert Camus: Nhà văn phi lý độc đáo của thế kỷ 20

15.08.2016

Albert Camus được trao giải Nobel năm 1957 vì các sáng tác văn học “soi sáng những vấn đề của lương tâm nhân loại trong thời đại chúng ta với sự kiên định tinh tường”.
Albert Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ông là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng như Dịch hạchNgười dưng.

Albert Camus: Nhà văn phi lý độc đáo của thế kỷ 20

Trưởng thành trong sự cô đơn và bệnh tật

Albert Camus sinh tại Mondovi, thuộc vùng Constantinois, miền Ðông Algérie, ngày 7/11/1913 . Cha của Camus là ông Lucien August Camus, một công nhân làm rượu nghèo, đã bị động viên vào lính, và qua đời khi Camus mới được 1 tuổi. Camus chỉ biết về cha qua một tấm ảnh duy nhất. Mẹ ông là Catherine Heslene Sintes, người gốc Tây Ban Nha. Mặc dù rất thương con, nhưng vì mắc bệnh điếc nên hai mẹ con rất ít trò chuyện với nhau. Camus đã lớn lên trong sự cô đơn, giữa khung cảnh thiên nhiên rực rỡ ánh nắng, tràn đầy gió biển. Camus đã sớm cảm thấy những điều phi lý của đời người, với con người vừa yếu đuối vừa cô độc, sinh tồn trong sự phi lý vì cái chết có thể sập đến bất cứ lúc nào.

Sau này, khi trưởng thành, dù được học bổng, và theo học môn Triết học tại trường đại học Algiers, Albert đã mắc phải bệnh lao phổ vào năm 1930. Hoàn cảnh bệnh nặng và kinh nghiệm sống còn trước tử thần đã trở thành nỗi ám ảnh với Camus.

Cuốn sách Bề trái và mặt phải là những hồi tưởng thời thơ ấu tại Belcourt là một cuốn sách đậm chất trữ tình, mô tả nổi bất lực và cô đơn của con người trước cảnh chết, một tai nặn mang tính hư vô.

Bệnh tật và nghèo đói là hai yếu tố tác thành cái mà sau này Camus gọi là phi lý và tạo nên một ước muốn gần như vô vọng để sống còn, đó là nền móng cơ bản trong Camus con người và tác phẩm.

Camus mất vì tai nạn giao thông vào ngày 4/1/1960 khi sự nghiệp đang còn nhiều dang dở.


Cái chết là nỗi ám ảnh trong hầu hết các sáng tác của Camus, được thể hiện rõ nét trong hai cuốn sách Kẻ xa lạ và Huyền thoại Sisyphus.

Phi lý và nỗi ám ảnh về cái chết

Huyền thoại Sisyphus là một thiên suy tưởng u buồn nhưng nhân hậu, đẹp đẽ về bản chất cuộc sống của con người, bắt đầu từ những triết lý về sự tự sát.

Dựa vào hình tượng Sisyphus, một vị thần bị kết án suốt đời đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, rồi lại thấy nó lăn xuống, rồi lại phải đi xuống chân núi, đẩy tảng đá lên từ đầu, cứ như thế ngày nọ sang ngày kia. Camus thấy rằng, sự hiện hữu của chúng ta trong đời sống này thật vô nghĩa. Ông đặt ra vấn đề về sự tự sát. Sự tự sát có phải là cách giải quyết. Sự tự sát có đưa đến hạnh phúc. Ông cho rằng tự sát có ý nghĩa nhưng nó là một ý nghĩa cực đoan, và tự sát là một hành động khước từ gần như nhút nhát, trốn chạy.

Từ cơ sở đó, Camus đã đặt ra cho người đọc một chiêm nghiệm mới, mỗi con người chúng ta, có thể nhận thức rằng, cuộc sống thật vô nghĩa, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phải sống.

Camus triển khai tiếp những suy tưởng của mình về đời sống phi lý bằng hình tượng Meursault trong Người dưng, người thanh niên vô tri hoàn toàn với đời sống. Khi bị kết án tử hình, Meursault đã chấp nhận cái chết, một cách êm ái và nhẹ nhàng, bởi đó cũng là lúc anh cảm thấy sự hiện hữu của mình.

Đó là năng lực nhân từ vô cùng của Camus với đời sống vô nghĩa lý này. Camus đặt nhân vật của mình vào một sự phi lý, đẩy họ đến bi kịch, nhưng ông đã đưa lại cho họ những nhạy cảm đẹp đẽ để tìm kiếm được niềm hạnh phúc giữa cái hố thẳm tuyệt vọng của đời sống. Ông thấu hiểu “tuyệt vọng là thực tại sâu xa nhất của con người”.

Trong Người dưng, ngòi bút Camus thoạt tiên rất lạnh lùng “hôm nay mẹ tôi chết”, rồi ông kể lại rõ ràng, mạch lạc từng chi tiết một cách dửng dưng, nhưng khi đặt nhân vật trong những trạng huống tuyệt vọng, ngòi bút của ông nhạy cảm, tinh tế, tỏ bày một tấm lòng nhân ái sâu sắc.

Có lẽ với Camus ấy là bản chất của đời sống vô nghĩa này, việc chấp nhận cái chết ở đây như một sự cứu rỗi, đúng như ý thơ của Rike mà Camus luôn tâm niệm “Ở đâu có nguy hiểm, ở đó có cứu rỗi”.


Đây là tự đề một cuốn sách của Jean Paul Sartre, nhưng nhìn lại sự nghiệp sáng tác của Camus, người đọc có thể dễ dàng nhận ra Camus chính là người đến gần với sự nhân bản của chủ nghĩa hiện sinh nhất.

Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản

Bước qua những hoang mang tuyệt vọng và đau đớn của con người trước cuộc đời vô nghĩa và phi lý, Camus đã đi nhìn ra được những mầm hy vọng trong đời sống này.

Dịch hạch chính là tác phẩm điển hình của Camus thể hiện sự thao thức, quay cuồng của ông với xã hội, cùng cái nhìn khoan dung và niềm tin tưởng chân thành của ông đối với con người.

Trước cảnh dịch bệnh đang tàn phá cả một thành phố, trong không gian bi đát, đen tối ấy, nổi lên một số nhân vật đặc biệt: Tarrou và Rieux, những người nói lên tư tưởng Albert Camus. Họ mải mê tìm hạnh phúc, họ căm phẫn trước cái đau khổ, trước cái phi lý. Họ không muốn kẻ khác bị chà đạp, họ kỳ vọng ở công lý, thiết tha mong ai cũng được liên hoan trong hạnh phúc và cảm thấy không thể sung sướng khi, chung quanh, nhân loại còn quằn quại, đau khổ.

Đi từ thất vọng, hư vô, phi lý, Albert Camus đã không chịu xây dựng một nhân sinh quan có tính cách tàn phá hay tiêu cực mà trái lại đã đi tới chỗ ca ngợi tình yêu thương, coi đó là những điểm tựa quý giá của cuộc sống trần gian. Albert Camus đã trở về với truyền thống nhân bản, lấy con người làm trọng tâm của mọi sự vật và hoạt động trần gian. Tarrou và Rieux trong Dịch hạch, Kalyayev trong Những người chính trực chính là những vị anh hùng của nền “nhân bản ngoại đạo và thực tiễn” đó.

Trong khi Jean Paul Sartre nói:”Địa ngục là kẻ khác.”, Abert Camus tuyên bố: "Tôi có một lòng yêu người và vật rất mạnh và tôi yêu những kẻ sống hôm nay với tôi trên mảnh đất này”. Các nhân vật của Camus vì thế trong sự sa đọa, trong đau đớn ngộ nhận, hoang mang và phi lý, luôn luôn phản kháng. Bởi với Camus, “tôi phản kháng là tôi tồn tại”.

Phong Linh
(news.zing.vn)