Hoa mít vườn xưa - Truyện Trầm Hương

07.09.2013
1. Chị xòe bàn tay khô xác, gầy guộc nhẩm tính: “Cây mít này đã 30 tuổi. Vậy là ông ấy bỏ đi cũng đã 30 năm…”.  Lúc ấy, chị không chạy theo, không níu kéo, không một lời chì chiết, nguyền rủa. Từ mặt đất ẩm ướt, nỗi đau ngấm vào đôi chân trần, lan đến từng khe hở của lục phủ ngũ tạng… Khi nỗi đau lan đến đỉnh đầu, nó chạy ngược trở về tim. Chị muốn bật khóc, muốn hét lên, muốn cào cấu cả ông trời vì nỗi bất hạnh thầm lặng mà chị phải chịu đựng. Nhưng chị không làm được cái điều thường tình mà những người đàn bà vẫn làm khi bị chồng bạc đãi, phản bội. Cổ chị nghẹn đắng. 

Hoa mít vườn xưa - Truyện Trầm Hương

Chị khụy xuống, ngồi bệch trên nền đất ẩm. Rồi chị gượng đứng lên, lặng lẽ đi tìm cái cuốc, hì hục đào xới. Chị trồng cây mít trên khoảng sân ngay sát cổng nhà, đúng nơi dấu giày của ông còn hằn vết. Chị chôn xuống đất một lời thề. Hãy quên ông ta đi, hãy nén chặt nỗi đau vào lòng. Ông ta không xứng đáng…

 

2. Chị chôn xuống đất nỗi đau. Đất lại ra quả ngọt. Mấy đứa cháu ở Sài Gòn ngày nghỉ về thăm  má Ba, được nếm mùi mít chín, riết đâm ghiền. Ngắm nhìn cây mít lúc lĩu trái mà lòng chị buồn rười rượi. Người già ngày càng cằn cỗi, lùn đi. Nhưng cây vẫn trẻ, tược vẫn vươn cao, tơ nõn. Đất đẻ thêm nhiều thứ. Và thêm những đứa trẻ được sinh ra. Chị trìu mến đưa mắt nhìn qua nhà Mẫn. Cu Cồ, con trai Mẫn đang say sưa bú mẹ. Vòm ngực cô cháu dâu trắng phau, căng tròn. Nỗi tủi thân trào lên, mắt chị dấp dính nước. Nỗi đau chị đã chôn xuống đất, đã lấy cuốc lèn chặt, mà sao nó vẫn không tan,  vẫn âm thầm mọc rể trong lòng chị…

 

3. Nếu còn sống, con chị đã bằng tuổi cây mít này. Chị đã từng trải qua niềm hạnh phúc khôn tả, khi giữa trưa nắng chang chang, ông ấy đạp xe cọc cạch, vượt mấy cây số đường cát bủn ra chợ làng, mua cóc ổi cho vợ. Ông lục đục vào bếp, đâm muối ớt cho chị chấm cóc chua. Để muối thơm ngon, ông nướng chén muối ớt trên bếp lửa than hồng. Đó là một thứ muối ớt nồng đượm, ngon kỳ lạ mà chị được nếm. Nhưng những ngày hạnh phúc nhanh chóng qua đi. Khi bác sĩ cho biết chị không còn khả năng làm mẹ, mặt ông tối sầm. Kể từ đó, ông không thèm nướng chén muối ớt trên bếp lửa. Chị vẫn yêu chồng tha thiết. Cứ đến ngày nghỉ, chị quét dọn phòng ngủ sạch sẽ, chuẩn bị nhiều món ngon đón ông từ thành phố về. Rồi ông bỏ đi, sau khi nói ra những lời dứt tình độc địa…

 

4. Ngôi nhà ngói âm dương ở quê giờ trở nên quá rộng rãi với chị. Mỗi ngày, chị giúp Mẫn coi sóc trang trại bò sữa. Mẫn bỏ học vào những năm chồng cô em gái út, vốn là một vị tướng lừng danh làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K. Sau cậu đi bộ đội, làm lái xe, lấy vợ. Vợ chồng cậu cơm không lành canh không ngọt, đưa nhau ra tòa. Dì út bắt đứa cháu nội về nuôi, tạo điều kiện cho con trai làm lại cuộc đời. Nhưng Mẫn  thất chí, sa vào rượu chè, nghiện ngập. Mẫn bán đứt chiếc Toyota- phần vốn cuối cùng cha mẹ cho ra riêng. Hôm đó, từ quê lên thành phố thăm em, chứng kiến cảnh cháu mình say khướt, bị em gái chì chiết, chị lặng lẽ nấu cháo đậu xanh giã rượu cho Mẫn. Rồi chị thủ thỉ nói: “Con về quê sống với má Ba nghen!”. Mẫn mở to mắt nhìn chị: “Về dưới buồn chết”. “Buồn nhưng không chết. Má Ba đã sống mấy mươi năm…”. Ngập ngừng một lúc, chị nói: “Quê mình bây giờ khác xưa lắm. Trai gái đua nhau làm ăn, học tập, quán xá dập dìu. Khu đất nhà mình có con đường tráng nhựa vừa mới phóng qua, tốt lắm. Bây giờ dưới ấy đang có phong trào nuôi bò sữa, cháu thử coi…”. Thực ra, đó là kế hoạch làm ăn chị đã nung nấu rất nhiều ngày nhưng không đủ sức. Giờ thấy Mẫn bị thất nghiệp, thất chí, chị muốn cháu làm lại cuộc đời. Nhìn những ngôi nhà san sát, người đông như kiến cỏ, chật như niêm trên đường mỗi khi bị kẹt xe, chị tự hỏi sao người ta chen chúc nhau trong nội thành làm gì. Cả ông ấy cũng gò mình trong những căn nhà như cái hộp quẹt bé xíu kia, cả dì Năm, dì út… Hòa bình, không một ai trong gia đình trở về quê. Hoàn cảnh ấy, chị buộc phải trở về, đối mặt với đổ vỡ. Tuổi tác khiến chị thấy mình quá sức chịu đựng khi ngày đêm thui thủi một mình trong ngôi nhà ngói âm dương, giữa cánh đồng mênh mông gió lộng. Chị thầm nghĩ nếu Mẫn chịu về quê nuôi bò sữa, chị sẽ thuê người trồng cỏ trên cánh đồng. Trang trại bò sữa của chị sẽ rất thuận lợi nhờ có sẵn nguồn cỏ cho bò. Nếu Mẫn chịu cực, chị sẽ mở luôn trạm thu mua bò sữa. Chị nhẫm tính, mỗi ngày mua được một tấn sữa, mỗi lít được hoa hồng 500 đồng, thằng Mẫn sẽ thu được… Chà, một số tiền không nhỏ. Lòng chị tràn lên niềm vui, phấn kích bàn kế hoạch làm ăn. Thằng Mẫn lúc đầu thờ ơ, rồi dần dần bị cuốn hút bởi những lời chị nói. Cậu tưởng tượng ra một trang trại bò sữa hàng trăm con, cánh đồng cỏ mênh mông, những công nhân vắt sữa, trạm mua bò sữa tấp nập người ra vào… Cậu làm nhanh trong đầu một phép tính cộng, nhân rồi lũy thừa. Theo kế hoạch ấy, chỉ vài năm, cậu đã trở thành tỷ phú. Cậu sẽ nở mày nở mặt với cha mẹ, với cô vợ đã từng ly dị, rẻ rúng cậu.  Mắt cậu rực sáng trước một viễn cảnh huy hoàng sáng lạng. Nhưng rồi cậu buông mình trên ghế sô-pha, thở dài chán nãn: “Má Ba nói thì nghe hay thiệt nhưng phải có vốn. Con chẳng có đồng xu”. Chị gợi ý: “Con hỏi xin má thử coi…”. Mẫn trề môi: “Trong mắt ba má, con là đứa phá gia chi tử, chẳng làm nên cơm cháo gì. Má Ba đừng xúi dại, thà chết còn hơn…”. Chị ngồi lặng, thấy  thương Mẫn vô kể. Chị thầm nghĩ, đứa con càng không thành đạt, không may mắn thì càng phải thương nó hơn. Nỗi tủi thân chợt dâng lên cổ họng, lên mắt chị. “Ừ, thì trong gia đình, mình chịu phần lép cho sự thành đạt của em út. Mình với thằng Mẫn vậy mà cùng cảnh ngộ, không suông sẻ, may mắn. Không, phải làm gì để cứu lấy đời nó…”. Chợt chị ngồi thẳng dậy, nắm lấy tay Mẫn, phấn khích: “Má Ba sẽ giúp con. Miễn là…”

 

5. Kể từ hôm đó, Mẫn theo “má Ba” về quê…

Chị dốc toàn bộ tiền cả đời chắt mót, giúp Mẫn mua 4 con bò sữa.Mẫn mặc độc cái quần cụt, cùng bà con ở Củ Chi hì hục dựng lên cái chuồng bò. Đó là những ngày vô cùng bận rộn, pha lẫn hồi hộp. Hai dì cháu vừa nuôi bốn con bò sữa tiên phong, vừa quần quật cất trạm thu mua sữa, vừa lao ra đồng cắt cỏ. Giờ lấy sữa, Mẫn mở nhạc cổ điển cho bò nghe. Chị vô cùng kinh ngạc trước những thứ nhiệm mầu cháu mình đã học được. Lúc đó, chị mới vỡ lẽ, hóa ra đầu óc Mẫn không điếc đặc như em gái mình từng phàn nàn, chẳng qua nó chỉ nhét được những gì nó thích. Chuyện nuôi bò sữa thằng Mẫn lại rất mê. Nó học ở tất cả mọi nơi, thậm chí chuyện “rửa đực” cho mấy con bò cái nó cũng tính toán chi ly ngày giờ. Nó quyết tâm bắt bốn con bò sữa tiên phong phải đẻ ra 4 con bò cái tốt giống. Có cái đầu biết tính toán của Mẫn, chị có công chăm sóc, chỉ mấy tháng sau, trại bò của chị hân hoan đón chào bốn tiểu thư bò nghé bụ bẫm. Nhìn bầu vú tròn căng của mấy con bò mẹ, chị không khỏi chạnh lòng. Bất cứ thứ gì trong nhà này, từ bầy heo nái,  đàn gà, bầy bò, cây trái… được bàn tay chị chạm đến đều sinh sôi nẩy nở, chỉ chủ nhân của nó là không đẻ được.

Kể từ ngày ông ấy bỏ đi, chị tự nhủ hãy quên ông ta, cái con người tệ bạc. Chị tự an ủi, tuy mình không sinh được con nhưng đã có một đàn cháu. Trong đáy lòng, chị xem con dì Năm, dì út hơn cả máu mủ. Ngày ấy, nghe tin em gái mình công tác ở rừng miền Đông, đã lập gia đình với một sĩ quan chủ lực miền, chị lặn lội tìm đường thăm em. Vượt qua lộ trình nguy hiểm, sống chết kề bên, chị tìm gặp em ở một trạm hậu cần quân giải phóng. Thấy đứa cháu trai lớn hai tuổi, đứa cháu nhỏ mới 6 tháng èo uột, xanh rớt vì khí rừng ẩm thấp, vì thiếu sữa, chị quyết định bồng cháu về nuôi. Bọn lính ở các trạm gác biết tỏng chị mang con “Việt cộng” mà chẳng làm gì được, bởi lời giải thích rất nỗi niềm của chị. Anh em Mẫn lớn lên trong sự chăm sóc, cưu mang của “má Ba”. Cho đến ngày hòa bình, vợ chồng cô em gái từ rừng về phố. Chị trao hai đứa nhỏ bụ bẫm lại cho em. Thằng anh sau này thành đạt, vợ con đề huề, chỉ có Mẫn là lận đận. Vì vậy mà chị muốn dành tình thương rửa mày rửa mặt cho Mẫn. Về quê mở trang trại, Mẫn lấy được cô giáo dạy mẫu giáo, đẹp người đẹp nết. Chị rất vui vì trang trại bò sữa ngày càng sinh sôi nảy nở. Từ 4 con bò sữa tiên phong, nay Mẫn đã có đàn bò hàng trăm con. Chị ngày đêm tối mặt giúp Mẫn kêu thợ cắt cỏ, quản lý trang trại. Còn gì vui hơn khi ngày tết, những đứa cháu từ Sài Gòn về ngôi nhà lớn ở quê cúng ông bà, tíu tít bên “má Ba”. Chị hào phóng lì xì cho đàn cháu. Nhưng khi chúng chất lên xe, không quên mang theo mấy trái mít ướt về Sài Gòn, chị lại rơi vào nỗi cô đơn, trống trải lạ thường. Trong ngôi nhà ngói thênh thang, chị lại thui thủi một mình bên bàn thờ tổ tiên. Xe của các cháu đi khuất rồi, đâu có ai quay lại để nhìn thấy gương mặt đẫm nước mắt của chị…

 

6Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”. Quá nửa đời người, chị không lạ gì chuyện “tình bậu muốn thôi”. Nhưng khi chính mình phải chịu cảnh ấy, chị mới thấy thấm thía nỗi chát đắng của tình đời đen bạc. Cho đến giờ, chị vẫn còn ngỡ ngàng vì người ấy đã thay đổi quá nhanh. Hồi các em chị ở bộ đội miền, chị tìm cách lên thăm, mang theo hàng tiếp tế, nào tôm khô, cá sặc rằn, radio, cả máy ảnh… Vẻ đẹp mặn mòi, chất phác của cô gái Củ Chi là sự ngưỡng mộ, khao khát của ông. Ông ngỏ lời yêu chị, lúng túng bày tỏ cả lòng biết ơn đối với chị. Mối tình của họ được các em tác thành, vun vén. Hồi ở rừng, cứ vài tháng, ông thấp thỏm, ngóng đợi chị vô thăm. Sự xuất hiện của người phụ nữ quá tuổi xuân thì ấy đã mang lại cho đơn vị hơi thở, bóng dáng của cuộc sống đồng bằng sung túc. Chị khệ nệ mang cả mùa xuân ở đồng bằng lên rừng. Khi tất cả anh em thoát ly vào vùng giải phóng, chị ở lại quê nhà cày cấy, phụng dưỡng cha mẹ. Nhiều chàng trai ở quê đã ao ước cưới được cô gái xinh đẹp, đảm đang ấy làm vợ. Vậy mà ngày đó, trái tim chị chỉ hướng vô rừng, cùng với người ấy. Khi được mọi người vun vào, chị bày tỏ nỗi lo: “Mấy em bay nhảy, chỉ còn chị lo cho cha mẹ. Lấy chồng rồi, cha mẹ ở với ai?”. Lúc đó, mọi người cười ha hả vì nỗi lo không đâu của chị. Anh trai người ấy trấn an: “Chuyện đó thiệt nhỏ, miễn là em  chịu lấy nó. Hòa bình, về ở đâu mà chẳng được…”.

 Rồi hòa bình. Những người ở rừng năm xưa được trở về thành phố. Họ bận rộn với vai trò mới, chỗ đứng mới.  Ở nhà chồng, lòng chị không yên mỗi khi nhớ đến hình ảnh cô đơn, thui thủi của cha trong ngôi nhà ngói âm dương. Chị chợt nhớ đến cái siêu thuốc mốc meo, bởi từ ngày chị đi, không ai sắc cho cha uống… Nhân ngày Chúa Nhựt người ấy về thăm nhà, chị thỏ thẻ: “Anh à, ở đây đã có các cô lo chu đáo chuyện nhà, hay là mình về quê em sống với cha…”. Người ấy trợn tròn mắt: “Cô nói vậy mà nghe được, đàn bà lấy chồng phải về quê chồng”. Chị run run giọng nói: “Em biết. Nhưng mà anh đi biền biệt. Hay là anh cho em về trong nội thành lo cho anh”. Người ấy chợt đùng đùng nổi giận: “Cái gì? Cô về ở với tôi cho người ta dèm pha tôi có một con vợ nhà quê, vừa già vừa xấu, vừa không biết đẻ con hả?!”. Chị cố nuốt lại cục buồn tủi: “Em biết nỗi khổ tâm của anh. Em cũng rất muốn nhưng bỡi…”. Lời phân trần tiếp theo của chị chìm trong nước mắt. Người ấy dấm dẳng. Chị lại năn nỉ. Người ấy lạnh tanh: “Tui nói như đinh đóng cột, xuất giá tòng phu, nghe rõ chưa!”. Chị nghèn nghẹn: “Hồi ở trong rừng anh Hai nói tụi mình lấy nhau, ở đâu cũng được mà. Sao bây giờ…”. Người ấy cười khẫy: “Đừng lấy người chết ra dọa tôi. Anh Hai hứa chớ tôi đâu có hứa. Tui là chồng của cô hay anh Hai, hả?!”. Chị trân trối mở to mắt nhìn người ấy, thầm nghĩ: “Anh ta thay đổi đến vậy sao. Ngày ấy ở rừng, anh ta đâu đến nỗi…”. Oái oăm thay, chuyện ở đâu sau ngày họ thành vợ thành chồng trở thành chuyện không đơn giản. Nó đẩy chị vào bi kịch của sự chọn lựa. Chị buồn tủi bỏ về quê, rơi nước mắt nhìn cha già  nằm co trong một góc khuất vì căn bệnh nan y. Mấy con bò từ lâu không có người chăm sóc ốm giơ xương. Trong vườn, cỏ cây khô xác, tiêu điều. Chị tất tả đi rửa cái siêu sắc thuốc, lại tất tả ra đồng vun đám bắp, lại tất tả dựng lại chuồng heo… Thỉnh thoảng, người ấy miễn cưỡng từ Sài Gòn về Củ Chi thăm chị, cằn nhằn chuyện chị không về bên chồng. Cho đến khi biết chị không thể sinh con, người ấy đưa ra điều kiện nghiệt ngã: “Hoặc là cô về quê tôi. Hoặc ly hôn”. Trải nghiệm những ngày làm vợ buồn tủi, chị ngầm hiểu “về quê tôi” có nghĩa là sự chấp nhận muốn làm một người vợ trên danh nghĩa thì phải chịu đựng, làm một con ở không công trong góc khuất quê chồng, còn nhà ở Sài Gòn thì đừng bao giờ đặt chân tới, đó là khoảng không gian riêng của ông. Nếu không chấp nhận góc khuất ấy thì chị phải ly hôn.  “Ly hôn?”.  Mắt chị cay sè, chợt nhớ những ngày đẹp đẽ ở rừng. Chị lau nước mắt, nhìn xoáy vào mặt người ấy, chậm rãi nói: “Nếu ly hôn mang lại hạnh phúc cho anh, em bằng lòng”. Bất ngờ trước thái độ của chị, ông ta chống chế: “Nè, vậy là lỗi ở cô, không phải tôi. Làm gì mà cô mê ông già dữ vậy!”. Trên giường bệnh, cha chị uất ức đến nghẹn thở. “Thứ cái đồ…”. Cha chị ôm ngực ho rũ rượi, máu trào ra, thấm ướt hàm râu trắng như cước. Chị hốt hoảng chạy vào buồng đỡ lấy cha. Đó cũng là ngày chồng chị bỏ đi mãi mãi…

 

7. Chị thề với lòng sẽ quên ông. “Đàn ông đã tệ bạc, đã đễu thì giữ làm gì cho nặng lòng”. Chị cắn chặt môi, tự nhũ với lòng mình. Chị biết vì “tình bậu muốn thôi” mà ông đã làm khó chị, đã thốt ra những lời tệ bạc, trái với luân thường đạo lý. Khi “tình bậu muốn thôi”, đàn ông có nhiều lý lẽ lạ đời. Ông ta biết chị không thể rời mảnh đất máu thịt, nơi chị đã từng là người nữ du kích thời chống Pháp, nơi chị thờ cúng bà mẹ anh hùng có 3 người con đã hy sinh cho Tổ quốc, nơi có người cha từng bám đất che giấu cán bộ, chắt chiu từng hạt lúa củ khoai cho chị đi thăm những người con trong rừng, để rồi chị gặp ông. Ông ta không thể về quê sống với chị nhưng ông ta không muốn chị đưa cha già về Sài Gòn sống với ông. Nếu người ta thật lòng thương yêu nhau thì như anh Hai của người ấy nói: “Lấy nhau rồi về đâu ở mà chẳng được”. Nếu có tình thương người ta sẽ điều chỉnh, sẽ làm được tất cả nhưng ông ta không muốn làm, đơn giản vì ông ta có người đàn khác. Ông muốn thôi chị nhưng vì sĩ diện, vì muốn dành phần phải về mình mà gieo tiếng dữ để bỏ đi. “Cái thằng đó biến chất rồi!”. Cậu em rể giờ là một vị tướng về thăm chị gầm lên phẫn nộ. Chị uất ức, nghèn nghẹn nói: “Thì hồi đó dượng làm mai ổng cho tôi chớ ai”. Dượng út thở dài: “Hồi đó thằng chả cũng như tụi này, trên răng dưới dái, chỉ có cái đít không. Bây giờ có nhiều thứ nên so đo tính toán. Bỏ vợ già lấy gái tơ thì cũng đành đi, đằng này… Thằng chã mà láng cháng về đây, tôi không để yên đâu”. Chị cúi mặt: “Thôi dượng à. Dù gì thì ổng cũng phải có con. Chỉ có điều nếu ổng đừng gieo tiếng dữ thì còn nhìn mặt sau này…”. Dượng út gầm lên: “Sau này cái con khỉ gì nữa. Chuyện không có con đâu phải là lỗi của chị. Thằng cha như vậy mà chị còn binh, thiệt không hiểu nổi”. Đúng là chị cũng không hiểu lòng mình. Yêu, hận, giận mình, giận người, ích kỷ, khoan dung trộn lẫn. Rồi vì tự ái, vì áp lực những người thân, chị cự tuyệt lời bắn tin “thỉnh thoảng cho tôi về thăm bà, dù gì cũng tình cũ nghĩa xưa” của ông ấy. Chị đã trồng lên cây mít, đã chôn xuống đất nỗi đắng cay, đã thề. Vậy mà cây mít vẫn ra trái nầng nẫng, giấu trong lớp vỏ sần sùi những cái múi ướt rượt, thơm phức.

 Chiều nay, chị cùng tốp thợ đi cắt cỏ cho đàn bò từ cánh đồng trở về. Mai- vợ Mẫn bồng cu Cồ từ trong nhà đi ra, đón chị, ngập ngừng nói: “Má Ba có nhớ chuyện con nói hôm trước không, về chuyện hiến đất làm trường mẫu giáo…”. Chị dừng bước, nghiêm trang nhìn cô cháu dâu: “Con không nghĩ số đất đó cũng là tài sản của con sao?!”. Mai nói: “Có được anh Mẫn là con đã quá lời rồi, còn hơn trúng số độc đắc, má Ba à!”. “Ừ, để má Ba suy nghĩ đã…”. Chị nghiêm trang, chậm rãi bước đi, lẩm bẩm một mình: “Ừ, mất một ít đất để có một trường mẫu giáo. Kể ra chẳng mất gì mà còn nảy nồi thêm. Đời mình khuyết một chút nhưng đất đẻ, bò đẻ, thằng cu Cồ đã được sinh ra chính trên mảnh đất này. Mai mốt có thêm nhiều đứa trẻ nữa… Con Mai nói đúng ý mình, còn tính gì nữa”. Chị bước đi. Bóng chị đổ về trước chỉ là một vệt ngắn, in trên cánh đồng cao xanh, lồng lộng.


                                                             T.H

                                   Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn