Tự chủ tài chính trong nghệ thuật biểu diễn: Vẫn là bài toán khó
Giao lưu, hội nhập quốc tế cùng sự đa dạng hình thức nghệ thuật đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nghệ thuật của mỗi đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, PGS TS Đinh Quang Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sân khấu- điện ảnh nhận định chính vì chưa “tự chủ” đã khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật đứng trước nguy cơ tan rã do không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Chưa kịp thích nghi Quá trình hội nhập với thế giới mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội song cũng có không ít thách thức, đòi hỏi các đơn vị phải nâng cao chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả với các hình thức nghệ thuật của nước ngoài. Để tồn tại và phát triển, ngoài những yếu tố về nhân sự, tài chính thì một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay chính là chất lượng nghệ thuật.
Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không đồng nghĩa với mức độ hoành tráng về dàn dựng, cũng như mức đầu tư kinh phí. Nó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với thẩm mỹ của số đông khán giả và lượng kinh phí thu được. Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trước tiên là tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức, đảm bảo yêu cầu thể loại và đáp ứng nhu cầu giải trí.
Đặc biệt, tác phẩm đó phải mang hơi thở của thời đại và bản sắc dân tộc. Thời gian qua, số lượng chương trình, tiết mục nghệ thuật biểu diễn đạt ở vị trí đỉnh cao còn khá khiêm tốn. Chất lượng của nhiều tiết mục nghệ thuật chỉ ở mức trung bình, đó là chưa nói tới hiện tượng dàn dựng tiết mục, vở diễn chỉ để có tiết mục, hoàn thành kế hoạch, hoặc giải ngân. Hội diễn sân khấu, Hội diễn ca múa nhạc, cũng như các cuộc thi Tài năng sân khấu được tổ chức hàng năm, kinh phí được chi tới hàng chục tỷ đồng nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng. Lượng khán giả đến với các liên hoan, hội diễn còn rất ít.
Nguyên nhân dẫn đến sự thưa vắng khán giả thì nhiều, song không thể phủ nhận một điều là chất lượng nghệ thuật của nhiều vở diễn, tiết mục còn nhạt nhòa, không gây được ấn tượng. Chúng ta cần thấy rằng, trong quá trình hội nhập và cạnh tranh, muốn tồn tại và phát triển, không có cách nào khác, các đơn vị nghệ thuật phải bứt phá vươn lên khẳng định mình bằng chính những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không chỉ là “bảo bối” mang lại thu nhập, thương hiệu, mà dường như còn tạo thêm nguồn cảm hứng sáng tạo và sức sống cho nghệ sĩ, cũng như đơn vị nghệ thuật. Phát huy nội lực Có thể thấy, trong hoạt động biểu diễn sân khấu, bên cạnh việc rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi đơn vị nghệ thuật, cũng như các nghệ sĩ cần khai thác, phát huy những giá trị của di sản, bản sắc văn hóa ở mỗi địa phương, dân tộc, vùng miền để tạo nên sự độc đáo và đa dạng văn hóa.
Thực tiễn cho thấy, trong môi trường toàn cầu hóa, văn hóa và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc không chỉ là nền tảng, động lực cho sự phát triển mà còn là nguồn tài nguyên phong phú, là chất liệu độc đáo, là điểm tựa cho sáng tác nghệ thuật. Kế thừa, phát huy giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa một cách hợp lý để sáng tạo, xây dựng tiết mục nghệ thuật không chỉ là hướng đi đúng đắn mà còn là một thế mạnh trong sáng tác, cạnh tranh nghệ thuật.
Bên cạnh đó, người nghệ sĩ cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Cần ý thức rõ tính hai mặt của toàn cầu hóa văn hóa.
Giao lưu văn hóa có thể đem lại nhiều lợi ích cho mỗi dân tộc, nhưng giao lưu văn hóa cũng có nguy cơ làm tha hóa, thậm chí biến mất các nền văn hóa. Bởi vậy, việc tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn cần chú trọng tới yếu tố nội sinh, bản địa, vùng miền. Ngoài ra việc giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu phải được xem là một mục tiêu quan trọng đối với hoạt động của đơn vị nghệ thuật. Giao lưu văn hóa, nghệ thuật không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trước mắt, mà còn là sự gia tăng hiểu biết giữa các dân tộc.
Thông qua giao lưu văn hóa, các đơn vị nghệ thuật cũng có thể tiếp nhận thêm kiến thức nghệ thuật, cũng như kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, mở rộng các mối quan hệ liên doanh, liên kết, đặc biệt là quảng bá văn hóa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Nhiều năm qua, hoạt động biểu diễn giao lưu quốc tế đã diễn ra khá phổ biến và thường xuyên đối với một số đơn vị nghệ thuật ở Trung ương. Tuy nhiên, với những đơn vị nghệ thuật ở địa phương, hoạt động giao lưu, biểu diễn ở nước ngoài còn rất hạn chế.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ nếu để cạnh tranh chất lượng với đơn vị nghệ thuật ở trung ương và thành phố lớn thì các đơn vị ở địa phương ít có cơ hội vượt lên. Thế nhưng, nếu biết vận dụng và khai thác yếu tố bản sắc văn hóa vùng miền để tạo nên những nét riêng biệt thì không phải là không có cơ hội. Song để làm được việc này, bên cạnh chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước còn cần đến sự nỗ lực của mỗi nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đơn vị.
Việc gắn kết hoạt động du lịch với các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mang bản sắc vùng miền cũng chính là một cầu nối để gia tăng mối quan hệ và cơ hội để đơn vị nghệ thuật ở địa phương tham gia vào hoạt động biểu diễn, giao lưu quốc tế. Đặc biệt, một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của bất cứ đơn vị, tổ chức nào chính là người đứng đầu đơn vị.
Người lãnh đạo đơn vị nghệ thuật không chỉ giỏi về chuyên môn, quản lý, ngoại giao... mà cần phải được xem như linh hồn của đơn vị. Trong môi trường cạnh tranh nghệ thuật ngày càng khốc liệt thì vai trò của người lãnh đạo đơn vị, hơn lúc nào hết càng phải được chú trọng hàng đầu.
Minh Quân (ghi) (daidoanket.vn) |